Thứ bảy, 23/11/2024 | 17:20 GMT +7
Vùng đất sản xuất nông nghiệp của xã Đại Thắng (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) được hình thành do phù sa sông Thái Bình và sông Văn Úc bồi đắp. Đất phù sa màu mỡ nơi đây rất thích hợp trồng lúa nước, đặc biệt là giống lúa nếp cái hoa vàng.
Theo TS Trần Nam Trung (Đại học Hải Phòng), giống lúa nếp cái hoa vàng được biết đến là giống lúa nếp đặc trưng truyền thống nổi tiếng tại các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ như Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng... Trong số đó, nếp cái hoa vàng ở Hải Phòng là giống bản địa, thuần Việt có từ rất lâu đời, nằm trong danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm cần được bảo tồn ở nước ta.
“Giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng từ bao đời nay được gieo cấy phổ biến ở hầu hết các tỉnh thuộc đồng bằng và trung du Bắc bộ nhưng ở xã Đại Thắng có đặc điểm rất riêng. Chất lượng gạo nếp cái hoa vàng ở Đại Thắng có mùi thơm hấp dẫn, hàm lượng dinh dưỡng cao, xôi ngon, dẻo đặc biệt mà hiếm có giống lúa nếp nào có thể sánh được”, TS Trần Nam Trung cho hay.
Dù trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, với sự du nhập của nhiều giống lúa thế hệ mới nhưng trên cánh đồng hơn 300ha của xã Đại Thắng, từ lâu bà con nơi đây vẫn chung thủy với giống lúa nếp cái hoa vàng truyền thống, diện tích luôn được duy trì ổn định, chiếm 90 đến 100% diện tích lúa mùa toàn xã. Nếp được trồng vào vụ mùa, thời vụ từ tháng 6 đến tháng 10, diện tích trung bình từ 5 đến 7 sào/hộ.
Với lợi thế đồng ruộng bằng phẳng, đất đai màu mỡ, được bồi đắp phù sa quanh năm nên vùng đất nơi đây rất phù hợp cho sản xuất nếp cái hoa vàng. Đây có lẽ là yếu tố giúp sản phẩm có sự khác biệt với những sản phẩm được sản xuất ở những nơi khác.
“Xã Đại Thắng chúng tôi có rất nhiều cây đặc sản nhưng nổi tiếng nhất là nếp cái hoa vàng. Giống lúa này không biết có từ bao giờ, khi chúng tôi lớn lên đã có. Theo các cụ kể lại, nếp cái hoa vàng đã được truyền lại từ thời xưa, qua nhiều thăng trầm nhưng bà con vẫn lưu giữ và phát triển thành sản phẩm hàng hóa giá trị và là cây trồng chủ lực của địa phương như hôm nay”, ông Mai Hoa Giang - Chủ tịch UBND xã Đại Thắng chia sẻ.
Hiện tại, diện tích lúa của xã Đại Thắng khoảng 594ha, cấy 2 vụ/năm, trong đó vụ đông xuân cấy các giống lúa tẻ để làm lương thực cho cả năm, còn vụ mùa cấy chủ yếu giống nếp cái hoa vàng với diện tích khoảng 285ha, có khoảng 1.000 hộ hộ dân canh tác, chiếm khoảng 95% diện tích lúa của toàn xã, năng suất đạt từ 45 - 50 tạ/ha và cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với các giống lúa khác.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thắng, gạo nếp cái hoa vàng của địa phương ngày càng được người tiêu dùng ưu chuộng và mang lại giá trị cao cho bà con nơi đây. Gạo nếp cái hoa vàng ở Đại Thắng hạt ngắn, hơi tròn, màu trắng đục và có mùi thơm nhẹ, sau khi nấu chín sẽ cho hạt cơm nếp căng, nở đều, mềm, dẻo, khi ăn có vị đậm ngậy, thơm ngào ngạt và lâu lại gạo.
Từ hạt gạo nếp cái hoa vàng, người dân ở xã Đại Thắng ngày nay đã chế biến ra nhiều sản phẩm đặc sản. Đầu tiên phải kể đến rượu nếp cái hoa vàng, thứ hai là bánh chưng và cuối cùng là làm nấm từ các các phụ phẩm rơm, rạ của lúa nếp. Tất cả đều được thị trường rất ưa chuộng.
Ông Bùi Văn Hoa, một hộ trồng nấm ở xã Đại Thắng chia sẻ, sau thu hoạch lúa, gia đình ông thường tích trữ rơm để làm nấm quanh năm. Nghề trồng nấm vừa tận dụng được các nguyên liệu sẵn có là rơm rạ dư thừa, vừa đem lại thu nhập cao.
Tại trang trại trồng nấm của gia đình, ông Hoa không mua bịch đóng sẵn giá thể mà tự đóng bịch tại nhà. Để làm giá thể trồng nấm, ông thường chọn rơm nếp, bởi rơm lúa nếp cho năng suất nấm nhiều hơn gấp 3 đến 4 lần so với rơm lúa tẻ và đặc biệt hơn khi cây nấm được làm bằng rơm nếp hoa vàng Đại Thắng cho chất lượng thơm ngon hơn so với khi trồng bằng các giá thể khác.
“Gia đình tôi trồng nấm quanh năm, lúc nào cũng có sản phẩm. Sản phẩm nấm trồng từ rơm lúa nếp cái hoa vàng có độ thơm, béo, dưỡng chất cao hơn, ăn ngọt hơn. Cơ bản chúng tôi chỉ đủ bán sản phẩm cho những cửa hàng quen chứ không đủ sản lượng bán ra ngoài thị trường tự do”, ông Hoa thông tin.
Từ hạt nếp cái hoa vàng, người dân Đại Thắng hiện nay đã chế biến thành các sản phẩm khác như bánh chưng, nấu xôi, nấu rượu để làm quà tặng, quá biếu và bán hàng cho khách hàng có nhu cầu.
Bánh chưng nếp cái hoa vàng có thể để được 15 đến 20 ngày trong mùa lạnh mà không bị lại gạo và khác biệt so với bánh chưng gói bằng gạo nếp trồng ở chỗ khi cắt xong bằng lạt bánh sẽ tự dính liền, cứ dùng sức mà xắn thì có thể bị gãy đũa mà vẫn không lấy được bánh.
Nếp cái hoa vàng là giống thuần Việt được lưu truyền lại từ đời này sang đời khác nhưng năng suất thường không cao. Những năm gần đây, từ khâu gieo cấy đến thu hoạch đều được người dân địa phương áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất giúp giảm chi phí, tăng năng suất, giảm sức lao động cho bà con.
Với giá bán như hiện nay, cứ 1 sào (360m2) trồng nếp cái hoa vàng bà con thu về từ 2,6 đến 3 triệu đồng, tính ra lợi nhuận cao gấp 2 đến 3 lần so với dòng lúa khác.
TS Trần Nam Trung (Đại học Hải Phòng) chia sẻ, trước đây, bên cạnh những thuận lợi về giống lúa nếp đặc sản, việc sản xuất giống nếp này cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu chọn giống chủ yếu do kinh nghiệm của người dân, tuy vẫn giữ được độ dẻo, thơm của gạo song qua thời gian dài đã xảy ra tình trạng thoái hóa giống.
Bên cạnh đó, việc sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật khiến nhiều loài thiên địch bị tiêu diệt. Mặt khác, khu vực đất canh tác, nguồn nước tưới chưa được đánh giá về mức độ ô nhiễm cũng ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, môi trường sống và sức khỏe người lao động...
Sau khi thực hiện dự án “Xây dựng và quản lý thương hiệu cho sản phẩm nếp cái hoa vàng Đại Thắng”, năm 2016, gạo nếp cái hoa vàng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, mở ra hướng phát triển mới cho giống lúa nếp đặc sản này.
“Sau khi xây dựng được mô hình sản xuất lúa nếp cái hoa vàng thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, đã giúp người dân cải tiến, thực hiện các phương thức quản lý, canh tác tiến bộ để tạo ra sản phẩm chất lượng, có thương hiệu, uy tín, từ đó nâng cao lợi nhuận và tăng giá trị cho sản phẩm”, TS Trần Nam Trung chia sẻ thêm.
“Những gia đình nhiều ruộng tại địa phương đều có khả năng làm giàu từ giống lúa nếp cái hoa vàng. Ai đến thăm cánh đồng Đại Thắng vào mùa gặt, nhìn cánh đồng như là một "biển vàng", bông lúa đều tăm tắp và tỏa mùi thơm ngào ngạt. Chúng tôi sẽ tìm cách để giống lúa này được lưu giữ mãi”, ông Lương Thanh Sắc - Bí thư Đảng ủy xã Đại Thắng chia sẻ.
Đồng Nai vừa công bố kế hoạch tổ chức Lễ hội 'Hương Bưởi Tân Triều'. Đây là lễ hội về bưởi lần đầu tiên của tỉnh Đồng Nai nhân dịp chào mừng năm mới.
ĐỒNG THÁP Cây ấu trước đây chỉ được trồng vào mùa nước nổi nhưng nay đã trở thành cây trồng mang lại thu nhập ổn định quanh năm cho người dân huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
KIÊN GIANG Tôm khô của Hợp tác xã Hiểu Phát được làm từ tôm thẻ thiên nhiên, nuôi theo mô hình xen canh tôm - lúa hoặc các vùng chuyên tôm nuôi quảng canh cải tiến.
Tại lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần II, Ban tổ chức sẽ đấu giá 3 quả sầu riêng nữ hoàng được chọn tại những vườn đẹp nhất.
HÀ NỘI Sáng 15/8, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền; Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2024.
Trà Vinh Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh có tổng nguồn vốn đầu tư trên 13 tỷ đồng, góp phần tôn vinh cây dừa sáp nguyên bản được trồng tại vùng đất Cầu Kè.
Mong muốn duy trì và phát huy đặc sản nem Lai Vung, anh Huỳnh Ngọc Hậu (xã Tân Thành, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đã rời phố, về quê khởi nghiệp từ loại nem này.
QUẢNG NAM Việc thành lập Hội sâm Ngọc Linh và Hội quế Trà My nhằm nâng tầm thương hiệu và bảo hộ sản phẩm cho 2 loài cây dược liệu có giá trị của tỉnh Quảng Nam.
Từ một loại nông sản bình dị, nhờ sự sáng tạo bền bỉ, ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, đã giúp tăng giá trị cho củ khoai mì Việt Nam.