Thứ tư, 02/04/2025 | 20:20 GMT +7
Đặc sản lươn đồng xứ Nghệ lâu nay đã nổi tiếng gần xa với hương vị thơm ngon, đậm đà, bổ dưỡng, được khách hàng trong nước ưa chuộng và hết lời ca ngợi. Từ con lươn đồng, nay đã được chế biến thành các sản phẩm ăn liền đóng gói như súp, miến, cháo…, không những bán trong nước mà đã xuất ra nước ngoài, đem về doanh thu hàng chục tỉ đồng/năm.
Chị Trần Hà Nhung giới thiệu sản phẩm súp lươn ăn liền của Công ty NAP Food. Ảnh: Doãn Trí Tuệ.
Những ai đã một lần đến với quê hương Nghệ An, nếu dừng chân ở lại TP Vinh sẽ có dịp đến ăn sáng ở khu vực cổng Thành cổ Vinh thuộc phường Cửa Nam. Nơi đây có nhiều quán súp lươn nổi tiếng, chỉ cần thưởng thức một bát súp lươn cay nồng ăn với bánh mỳ, bánh mướt (bánh cuốn)… thì du khách có lẽ khó mà quên được hương vị thơm ngon đậm đà… của loại đặc sản này. Lươn đồng xứ Nghệ còn được chế biến thành nhiều món ăn như lươn om chuối, lươn om đậu, lươn nướng, lươn xào ăn với bánh đa…
Ông Ngô Văn Tân, một du khách ở TP.HCM cùng gia đình ra Nghệ An đi thăm quê Bác ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn kể: Ra đến Nghệ An, ông nghỉ lại tại TP Vinh một đêm, sáng hôm sau ông nghe các vị khách qua đêm với ông ở khách sạn kháo với nhau: "Sáng nay ta đi ăn cháo lươn hay súp lươn chỗ hôm qua, lươn ở đó họ nấu kiểu gì ngon thật, mà giá cả cũng không cao".
Ông Tân bảo, không phải ra đây mới nghe họ nói với nhau về đặc sản lươn đồng xứ Nghệ ăn ngon, ở trong TP.HCM ông vẫn nghe nhiều người nói như vậy. Nhân chuyến ra TP Vinh, cả gia đình ông đi theo chân mấy ông khách kia đến quán ăn có đề chữ “Lươn đồng xứ Nghệ” và gọi món súp lươn cay ăn với bánh mỳ.
Công nhân chọn lọc, chế biến kỹ lưỡng lươn. Ảnh: Phan Ngọc.
"Bà vợ tôi vừa ăn, vừa nói cũng là con lươn, tại sao con lươn ở Nghệ An họ nấu kiểu gì mà ngon dữ vậy. Tôi bảo, cũng là lươn, nhưng ngon hay không ngon là do kỹ thuật chế biến, kỹ thuật nấu và còn có lẽ do môi trường đất và nước nơi con lươn sống ở ngoài này có cái đặc thù riêng gì đó, nên thịt lươn ở đây vừa ngon, vừa thơm hơn thịt lươn trong đó", ông Tân kể.
Cùng vào ăn sáng hôm ấy tại quán lươn đồng xứ Nghệ, có một đoàn khách khoảng 25 – 30 người từ TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) vào đi tham quan và nghỉ dưỡng ở bãi biển Cửa Lò (Nghệ An), họ vừa ăn, vừa xuýt xoa với nhau: "Vào TP Vinh mà không thưởng thức món lươn đồng xứ Nghệ thì thật là đáng tiếc, món lươn ở đây sao mà ngon thật!"
Từ con lươn được chế biến thành các món ăn ngon nức tiếng để phục vụ khách hàng ăn hàng ngày như súp lươn, cháo lươn, lươn om chuối, lươn om đậu, miến lươn…, chị Trần Hà Nhung – Giám đốc Công ty TNHH Phát triển ẩm thực NAP Food (Công ty NAP Food) ở TP Vinh đã ngày đêm trăn trở làm thế nào để đưa món lươn đồng xứ Nghệ lên “bản đồ” ẩm thực thế giới bằng các sản phẩm ăn liền như súp lươn, miến lươn dạng ly và tô, cháo lươn dạng ly và gói…
Từ suy nghĩ khá táo bạo nói trên và cả khát vọng cháy bỏng, với niềm tin sẽ thành công, chị Trần Hà Nhung đã đầu tư thời gian và công sức để nghiên cứu, tìm tòi, học tập kinh nghiệm, thuê chuyên gia cố vấn về quy trình kỹ thuật và công nghệ chế biến lươn tươi thành sản phẩm khô ăn liền với yêu cầu phải đảm bảo chất lượng ngon, thơm, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Nguyên liệu chế biến các sản phẩm ăn liền từ lươn được lấy hoàn toàn từ tự nhiên. Ảnh: Khánh Trung.
Ước mơ đó của chị Nhung đã được Công ty NAP Food biến thành sự thật. Để có sản phẩm lươn ăn liền xứ Nghệ như hôm nay, được khách hàng trong và ngoài nước ưa dùng không đơn giản. Trong đó quan trọng nhất là chất lượng để làm nên thương hiệu. Vì vậy, quy trình chế biến lươn của Công ty hoàn toàn sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như: Lươn đồng, gạo quê, muối ăn, nghệ tươi, hành tăm, ớt cay xanh…, tuyệt đối không sử dụng chất tạo màu, chất bảo quản thực phẩm. Lươn đồng được làm sạch, luộc qua, ướp gia vị, chiên, sấy lạnh, tách ẩm, tiệt trùng…, sau cùng là đóng gói.
Để sản phẩm làm ra giữ được chất lượng lâu tối thiểu trong thời gian 12 tháng, bao bì phải là loại bao giấy tốt, đóng gói 2 lớp, dễ dàng vận chuyển.
Tất cả các sản phẩm do Công ty NAP Food làm ra từ con lươn đồng xứ Nghệ đều đạt chứng nhận OCOP 3 sao trở lên nên khách hàng rất tin tưởng. Những ngày đầu khi sản phẩm mới ra đời, vừa ít, vừa chưa có thị trường xuất khẩu rõ ràng nên chỉ là hàng xách tay ra nước ngoài. Từ sản phẩm hàng xách tay ra nước ngoài, khách hàng quen ăn rồi họ tự tuyên truyền cho nhau về loại sản phẩm đặc biệt này và từ đó vào tháng 11 năm 2021, Công ty đã nhận được đơn đặt hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Australia với số lượng 4 container, có tổng giá trị trên 10 tỉ đồng.
Chị Trần Hà Nhung, Giám đốc Công ty NAP Food kiểm tra sản phẩm trước khi xuất khẩu. Ảnh: Phan Ngọc.
"Sang năm 2022, Công ty tiếp tục xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Thị trường này đòi hỏi khó khăn hơn do phải tiến hành test ký sinh trùng động vật, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe. Nhưng, quan trọng nhất là có thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng rãi. Khó khăn sẽ vượt qua, miễn là chúng ta làm tốt, làm sạch thì không lo", chị Nhung nói.
Hiện nay, Công ty NAP Food đã di vào hoạt động rất ổn định. Trung bình mỗi tháng Công ty nhập về hơn 40 tấn lươn tươi để chế biến, tạo công ăn việc làm cho hàng chục công nhân. Tất cả sản phẩm chế biến từ lươn của Công ty NAP Food đã chinh phục được không những ở thị trường trong nước, mà đã ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu ra nước ngoài.
Cụ thể hiện nay, các sản phẩm từ lươn của NAP Food đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Australia, Nhật Bản, Cộng hoà Séc và hiện đang đàm phán thương mại để xuất sang Trung Quốc, Mỹ và Singapore... Trung bình mỗi năm, NAP Food xuất khẩu gần 2 triệu sản phẩm súp lươn, cháo lươn, miến lươn ăn liền đóng gói, đem lại doanh thu hàng chục tỉ đồng.
Bằng việc xuất khẩu các phẩm từ lươn đồng xứ Nghệ, NAP Food đã góp phần lan toả, quảng bá đặc sản Nghệ An ra nước ngoài.
BẠC LIÊU Đa dạng sản phẩm muối, gia vị muối và các sản phẩm OCOP đặc trưng vùng miền trong cả nước được trưng bày, giới thiệu tại Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025.
Đó là các gian hàng trưng bày sản phẩm muối, gia vị và sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của hơn 40 đơn vị đến từ hơn 20 tỉnh/thành trên cả nước.
Chính phủ vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực'.
Sóc Trăng Anh Ngô Tuấn Thanh, một người trẻ đầy nhiệt huyết, đã biến cà na Sóc Trăng từ món ăn vặt bình dân thành sản phẩm chất lượng cao, trở thành đặc sản có giá trị.
Đồng Tháp Ngày vía Thần Tài, các phẩm vật được người dân mua về cúng như cá lóc nướng, thịt heo quay, vịt quay, bánh bao, vàng, hoa, trái cây.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho rằng, sản phẩm mắm Lê Gia từ góc nhỏ của làng quê đã vươn ra thế giới. Đây là điều rất tự hào và đáng trân trọng.
Vào mỗi dịp xuân về, bên cạnh những lễ hội, những làn điệu hát then, hát lượn... thì đồng bào Tày, Nùng, không thể thiếu những phong bánh khảo, bánh cốm truyền thống.
Lào Cai Xã Tả Thàng, huyện Mường Khương bảng lảng trong sương mù. Nơi đây, những cây chè cổ thụ vươn mình kiêu hãnh giữa giá lạnh, lưu giữ hồn đất và sức sống giữa đại ngàn.
Dịp tết Nguyên đán, các sản phẩm đặc trưng vùng miền thu hút thực khách. Đó cũng là lúc những lao động địa phương có điều kiện tăng thu nhập.
Vào dịp Tết Nguyên đán, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở Quảng Trị vẫn giữ được phong tục gói bánh beng. Đây là tập tục từ ngàn xưa để lại.