Sau 3 năm thực hiện đề án của Chính phủ, quyết định của Bộ NN- PTNT, nông nghiệp hữu cơ đã và đang lan tỏa hết sức mạnh mẽ.
Tại Diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến" do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hồi cuối tháng 9/2022, rất nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu nhìn nhận rằng, nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam đã có những bước chuyển mạnh mẽ, tuy nhiên vẫn còn những nút thắt, rào cản đòi hỏi sự thức tỉnh để phát triển mạnh mẽ hơn.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam từng khẳng định, nông nghiệp hữu cơ chính là kế thừa một phần của nền nông nghiệp truyền thống Việt Nam. Từ ngàn đời nay, cha ông ta bằng bàn tay, khối óc, bằng sức vóc, trí tuệ của mình đã xây dựng nên một nền nông nghiệp thuận theo lẽ tự nhiên, một nền nông nghiệp hữu cơ để nuôi dưỡng biết bao thế hệ người Việt đi qua hàng nghìn năm lịch sử.
Nhưng cũng thật ngậm ngùi khi nhận diện sự thực, đã một thời gian dài, ngành nông nghiệp chúng ta chạy theo năng suất, sản lượng nên lạm dụng quá nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật... khiến đất đai bị suy kiệt, dinh dưỡng đất đai bị bào mòn và hệ sinh thái đất đai cũng bị biến dạng…
Hệ lụy kéo theo là nông sản không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các quốc gia văn minh, giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp tương đối thấp, đời sống nông dân luẩn quẩn trong vòng xoáy được mùa mất giá, cơm cũ đổi cơm mới...
Vì lẽ ấy, thức tỉnh để phát triển, thức tỉnh để xây dựng một nền nông nghiệp có trách nhiệm với sức khỏe của gần 100 triệu dân Việt Nam và trách nhiệm của người tiêu dùng quốc tế không chỉ là sứ mệnh của ngành nông nghiệp mà còn là quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam. Thức tỉnh để thay đổi tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp.
Thức tỉnh để cùng nhau xây đắp lòng tin, xây dựng một nền nông nghiệp trách nhiệm, xây thương hiệu nông sản Việt Nam, trách nhiệm với sức khỏe của gần 100 triệu dân Việt Nam và trách nhiệm với người tiêu dùng trên khắp thế giới. Nền nông nghiệp Việt Nam phải chuyển sang giai đoạn “lấy cái gì của đất thì phải trả lại cho đất, để gìn giữ và trao truyền đến thế hệ mai sau”, đó chính là nông nghiệp hữu cơ.
Năm 2016, Nghị quyết của Quốc hội nêu: Nông nghiệp Việt Nam phải tăng sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế để hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Năm 2017, Kết luận của Ban Bí thư khẳng định, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ xanh và sạch. Đó thực sự đã là những tiền đề để Chính phủ ban hành Nghị định về Nông nghiệp hữu cơ vào năm 2018.
Đến năm 2020, Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030 ra đời như một sự tất yếu, trở thành hành lang pháp lý, Bộ NN- PTNT sau đó đã ban hành quyết định về kế hoạch hành động triển khai - một kim chỉ nam soi rọi con đường phát triển thời kỳ mới của nông nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt vào tháng 11/2021 tại Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết: “Ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân. Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hiện thực cam kết của người đứng đầu Chính phủ, nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng và cần một hệ sinh thái của những người làm nông nghiệp tử tế, là nông nghiệp hữu cơ.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, chuyên gia chính sách, Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) phân tích: Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định phát triển nông nghiệp Việt Nam là một nền nông nghiệp sinh thái. Trong nền nông nghiệp sinh thái chung đó, nông nghiệp hữu cơ là mũi nhọn chiến lược, đem lại giá trị cao trên thị trường, bảo vệ người sản xuất trước bất ổn định, rủi ro của thiên nhiên, dịch bệnh.
Nông nghiệp hữu cơ cũng sẽ là tấm lá chắn đảm bảo môi trường đất nước luôn luôn xanh, phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Đây là sự thay đổi tư duy to lớn và quyết tâm chính trị để Việt Nam tạo ra bước chuyển mới trong chiến lược phát triển nông nghiệp.
Về kết quả triển khai, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ của Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các địa phương đã xây dựng kế hoạch hành động, trong đó có nhiều tỉnh đã xây dựng đề án phát triển.
Tinh thần của kế hoạch hành động coi nông nghiệp hữu cơ là nhánh có tiềm năng phát triển, tập trung vào chất lượng và không làm theo phong trào. Xây dựng các mô hình điểm, đặc biệt là các mô hình liên quan đến trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ, thủy sản hữu cơ, dược liệu hữu cơ, ưu tiên dành những nguồn lực cần thiết, tối đa hóa các nguồn lực để phát triển, tổ chức chứng nhận, tổ chức sản xuất, tổ chức phân phối lưu thông thị trường và nâng cao nhận thức của người dân, người sản xuất, người tiêu dùng và hài hòa các tiêu chuẩn để vừa nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước, đồng thời tiệm cận với thông lệ quốc tế...
Báo cáo của Bộ NN-PTNT thể hiện, tính đến năm 2021, đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động phát triển nông nghiệp hữu cơ. Trong khi đó, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ và báo cáo của Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ thế giới, năm 2021, tổng diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đạt trên 174 ngàn ha, tăng 47% so với năm 2016.
Việt Nam hiện đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất Châu Á. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63,5 ngàn ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100 ngàn ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12,4 ngàn ha. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, sản phẩm xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới… Số lượng nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hơn 17 ngàn đơn vị, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu…
Đặc biệt, đã có hơn 90% các địa phương trên cả nước quan tâm và chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích sản xuất hữu cơ, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng người sản xuất, doanh nghiệp. Số lượng các mô hình sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình canh tác hữu cơ tại các địa phương ngày càng nhiều, giúp cho diện tích sản xuất hữu cơ tăng nhanh, qua đó nâng cao chất lượng nông sản so với canh tác theo phương thức truyền thống.
Nhận thức và sự quan tâm của xã hội, người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế ngày càng được nâng lên.
“Có thể nói rằng, chỉ sau 3 năm thực hiện đề án, nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam đã có những thay đổi và phát triển rất rõ rệt”, ông Nguyễn Quốc Toản cho hay.
Có thể nói, thái độ dịch chuyển từ tư duy canh tác nông hộ sang tư duy kinh tế nông sản đã tạo ra sự thay đổi của cả nền nông nghiệp. Năng suất không chỉ được chú trọng cơ bản, mà còn được tích hợp giá trị vượt trội theo mô hình nông nghiệp hữu cơ.
Chính sách thay đổi thực tiễn, thay đổi nhận thức về nông nghiệp hữu cơ như một sự tất yếu. Câu chuyện ở những vùng trồng hồ tiêu Tây Nguyên là một điển hình.
Nhiều năm trước, những vùng hồ tiêu nức tiếng ở khu vực Tây Nguyên lâm vào cảnh khốn đốn. Giá tiêu bấp bênh lúc cao lúc thấp, cây trồng liên tục đổ bệnh rồi chết đồng loạt. Từ chỗ giàu có nhờ hồ tiêu, không ít gia đình nợ nần chồng chất. Đó là hậu quả tất yếu của quá trình bóc lột đất đai để đổi lấy những lợi nhuận trước mắt.
Ông Đặng Tấn Huynh, Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận (tỉnh Đắk Nông) chia sẻ rằng: Cả một thời kỳ dài, ở đâu cũng thế, nông dân xem thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân bón hóa học như “thần dược”. “Thần dược” để chữa bệnh đói nghèo, “thần dược” để cứu cây trồng, để tăng năng suất, để chạy đua với cuộc sống trước mắt mà không nghĩ được rằng chính “thần dược” đó đã dẫn đến hậu quả là đất đai bị đầu độc, môi trường bị đầu độc và con người bị đầu độc. Hoặc giả sử họ cũng biết đấy, nhưng vì miếng cơm manh áo trước mắt, vì công cuộc mưu sinh mà bắt buộc họ phải đánh đổi, kể cả sức khỏe của mình.
Vậy mà bây giờ, giữa những thủ phủ hồ tiêu vẫn có những khu vườn miễn nhiễm với dịch bệnh, vẫn có những nông dân ung dung ngồi bán hồ tiêu giá cao bất chấp những biến động của thị trường. Hợp tác xã của ông Huynh có 17 thành viên và diện tích khoảng 80ha. Hẳn nhiên là còn quá ít, nhưng như ông Huynh nói, cùng với Đắk Song (Đắk Nông) hay Cư Kuin (Đăk Lăk), Chư Sê (Gia Lai) và nhiều vùng hồ tiêu khác ở Tây Nguyên, cộng đồng trồng hồ tiêu hữu cơ đang ngày một lan tỏa và thu hút thêm rất nhiều hộ nông dân tham gia.
“Trồng tiêu hữu cơ không khó. Nhiều người lầm tưởng cứ phải dùng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học mới trị sâu, trị bệnh, nhưng đó là suy nghĩ sai lầm. Chỉ cần đất khỏe thì cây khỏe và tự thân đã có thể kháng sâu bệnh rất tốt, bằng chứng là những người trồng hồ tiêu hữu cơ như chúng tôi chưa thất bại bao giờ”, ông Huynh nói.
Nông dân thay đổi, hợp tác xã thay đổi, đặc biệt, để phát triển nông nghiệp hữu cơ, vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp được chú trọng.
Gần 30 miệt mài với nông nghiệp hữu cơ, Tập đoàn Quế Lâm đã xây dựng được một hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, trở thành doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này. Quế Lâm đã ký kết hợp tác với nhiều tỉnh thành, xây dựng hàng ngàn mô hình liên kết với các địa phương và hộ nông dân và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con từ chăn nuôi đến trồng trọt, tạo thành quy trình nông nghiệp khép kín và bền vững.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ: Bí quyết thành công của Quế Lâm là xây dựng lòng tin. Xây dựng dựng lòng tin với nông dân bằng các mô hình, xây dựng lòng tin với người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm, xây dựng lòng tin với các nhà khoa học, với Đảng, Nhà nước bằng thực tiễn liên kết ở các địa phương...
Rõ ràng, thời gian gần đây, nhận thức về nông nghiệp đã có nhiều sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt so với trước, nhưng đâu đó vẫn còn nhiều rào cản đòi hỏi phải có quyết tâm cao mới thay đổi được. Đó là cả một quá trình, nhưng cũng là điều bắt buộc, chúng ta phải kiên trì, không có con đường nào khác.
Có thể nói, truyền cảm hứng làm nông nghiệp tử tế và chia sẻ bài học, kinh nghiệm sản xuất hướng đến nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, trở thành vòng tuần hoàn trong nông nghiệp đã là “đạo” của Quế Lâm… Và, nông nghiệp Việt Nam cần những con người trách nhiệm như thế.
Cũng chỉ trong một thời gian ngắn, thực hiện đề án của Chính phủ, kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT, hầu hết các địa phương trên cả nước đã tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ hoặc đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Điển hình ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Thừa Thiên – Huế, Hà Tĩnh, Yên Bái, Đồng Tháp, Sóc Trăng....
Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam: Phát triển nông nghiệp hữu cơ là chủ trương đúng và hướng đi ưu tiên của Yên Bái trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Thứ nhất, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng ngày càng sử dụng nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhờ giá trị dinh dưỡng, an toàn cho sức khỏe.
Thứ hai, nông dân khi chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã nhận thấy lợi thế rõ ràng của việc sản xuất theo quy trình hữu cơ. Mặc dù quy mô, năng suất và sản lượng không lớn, thậm chí chi phí đầu vào còn lớn hơn, nhưng giá trị gia tăng trên một đơn vị canh tác vượt trội so với kỹ thuật canh tác thông thường.
Thứ ba, đối với sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, ở một số thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản..., bắt buộc phải sản xuất theo quy trình hữu cơ mới có thể tiếp cận được.
Và cuối cùng, đối với những địa phương có nhiều sản phẩm đặc sản, sản phẩm đặc hữu của địa phương, khi không thể mở rộng quy mô sản xuất, không thể gia tăng năng suất và sản lượng thì chuyển sang sản xuất hữu cơ là giải pháp duy nhất để gia tăng giá trị trên một đơn vị canh tác.
Rõ ràng, từ nông dân đến hợp tác xã, doanh nghiệp và các địa phương đã định vị được vai trò, định hướng phát triển và nông nghiệp hữu cơ đang trở thành hệ sinh thái của những người làm nông nghiệp tử tế.
Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại, với khát vọng hội nhập quốc tế sâu rộng và thịnh vượng. Phép cộng của chính sách, thực tiễn, những tư duy mới, những triết lý nông nghiệp mới hoàn toàn đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn khắt khe nhất của thị trường thế giới.
Sau 3 năm thực hiện Đề án, nông nghiệp hữu cơ bây giờ đã là xu thế tất yếu của thời đại. Chọn lựa nông nghiệp hữu cơ ngay từ hôm nay là sứ mệnh của những người Việt Nam có trách nhiệm với sự thịnh vượng chung, vì một nền nông nghiệp không bỏ đi thứ gì.
Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đánh dấu lần đầu tiên ngành nông nghiệp Việt Nam đặt ra kế hoạch cụ thể hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, minh bạch, có trách nhiệm như chúng ta đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Để mục tiêu ấy sớm thành hiện thực, nhất định phải lan tỏa ý thức và hành động làm nông nghiệp hữu cơ rộng khắp cả nước.
Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ bắt đầu được triển khai mạnh mẽ, chính là cơ hội để từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Mục tiêu cụ thể được đặt ra, đến năm 2030, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5 - 3% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; giá trị sản phẩm trên 1ha đất hữu cơ cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ. Phát triển các tổ chức chứng nhận, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình kỹ thuật, tăng cường chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm hữu cơ…
Có thể hình dung bức tranh nông nghiệp Việt Nam sẽ hình thành vùng sản xuất các sản phẩm bản địa, đặc trưng có tiềm năng để xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm để đầu tư sản xuất hữu cơ. Đồng thời, chúng ta cũng nghiên cứu và phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao và giá trị sinh học đặc thù, đảm bảo tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe của người dân.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói: Nông nghiệp hữu cơ đã và đang lan tỏa, tuy nhiên chúng ta tiếp tục phải thay đổi tư duy. Hãy luôn nghĩ rằng những gì người khác làm được thì người nông dân Việt Nam cũng sẽ làm được.
Nếu chúng ta hiểu được giá trị bền vững của nông nghiệp hữu cơ, không chỉ đối với hệ sinh thái, môi trường, thiên nhiên mà còn là giá trị đối với sức khỏe của người sản xuất thì nông nghipệ hữu cơ chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ.