Thứ ba, 10/12/2024 | 23:54 GMT +7
Những ngày đầu tháng 11 âm lịch hàng năm, trên những sườn đồi ở xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vàng rực những vườn cam chín rộ và người trồng cam lại hối hả bước vào vụ thu hoạch đặc sản cam giòn sau một năm chăm sóc. Năm nay, cam giòn được mùa, giá bán cao nên người trồng cam hết sức phấn khởi.
Gia đình ông Phan Công Sơn tại thôn Nam Phong (xã Thượng Lộc) hiện có hơn 200 gốc cam giòn đã cho thu hoạch, năm nay ước thu hơn 10 tấn quả. Ông Sơn cho biết chưa năm nào giá cam giòn lại cao như năm nay, hiện đang đầu mùa, giá từ 70.000 - 90.000đồng/kg, gấp đôi so với năm ngoái.
Theo ông Sơn, cây cam giòn có khả năng chịu rét, chịu hạn, chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt cho quả đều và hoàn toàn không bị nứt vỏ trong mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền Trung. 1 cây cam giòn cho thu nhập gấp 2 - 3 lần so với cây cam thường. Vì vậy năm nay gia đình ông đã mở rộng diện tích trồng mới 300 - 500 gốc cam giòn.
Trên diện tích vườn đồi gần 5ha, gia đình chị Bùi Thị Thu (xã Thượng Lộc) đã trồng rất nhiều giống cam như cam chanh, cam bù… nhưng sau khi thử nghiệm trồng cam giòn, chị Thu nhận thấy đây là giống cam cho giá trị kinh tế cao nhất. Hiện vườn chị Thu đang có hơn 400 gốc cam giòn đã cho thu hoạch, mỗi năm sản lượng từ 15 - 20 tấn quả.
Theo chị Thu, giá sỉ cam đầu vụ hiện khá cao từ 70.000đ trở lên, nên dịp này gia đình chị đã tiến hành cắt tỉa quả chín, chào hàng thương lái, số còn lại chị để dành phục vụ dịp Tết Nguyên Đán bởi sẽ có giá bán cao hơn nữa. Chị Thu cho biết, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, cùng với việc sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn nên năng suất cam tăng khoảng hơn 20%, đồng thời chất lượng cũng tăng cao, sau khi trừ chi phí gia đình chị ước thu về gần 1 tỷ đồng.
Nhắc đến cam giòn Thượng Lộc không thể không nói đến Hợp tác xã Trà Sơn với sản phẩm cam giòn Xuân Hòa đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Anh Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc HTX Trà Sơn cho biết, Hợp tác xã hiện có 12 thành viên với diện tích cam hơn 15ha đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, ngoài ra còn liên kết sản xuất tiêu thụ với 69 hộ dân trồng cam ở các xã vùng Trà Sơn (huyện Can Lộc) với diện tích trên 100ha. Mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường hơn 500 tấn cam giòn. Thời điểm này, mỗi ngày HTX bán ra thị trường từ 2 - 3 tấn cam giòn với giá 90.000đ/kg, dịp Tết Dương lịch dự kiến giá bán 120.000đ/kg và Tết Nguyên Đán giá có thể lên tới 150.000đ/kg.
Nói về quá trình sản xuất và xây dựng thương hiệu cam giòn Xuân Hòa đứng vững trên thị trường với giá bán cao hơn nhiều so với các loại cam khác, anh Hòa hồ hởi chia sẻ: "Để có sản phẩm sạch, Hợp tác xã chúng tôi sản xuất theo quy trình hữu cơ 100%, chỉ sử dụng phân bón vi sinh, phân chuồng ủ hoai, diệt côn trùng theo hướng sinh học.
Trái cam sau khi đủ độ chín sẽ được thu hái, sau đó sục rửa bằng ozon giúp loại bỏ các tạp chất và dùng rượu nếp Can Lộc rửa sạch lần cuối trước khi đóng thùng giao cho khách hàng. Nhờ vậy, cam giòn Xuân Hòa có độ thơm, ngon, ngọt đặc trưng mà các loại cam khác không có được.
Bà Phan Thị Hiền, một hộ trồng cam lâu năm tại xã Thượng Lộc cho biết, cam giòn có hình cầu, vỏ nhẵn, kích thước nhỏ hơn cam chanh và khi chín vỏ có màu vàng tươi. Cam giòn có trọng lượng trung bình khoảng 250 - 350gr/quả. Đặc biệt, cam khi chín có vị ngọt đậm đà, thơm rất hấp dẫn, khi ăn có cảm giác mát, giòn tan. Ngoài ra, quả cam giòn nhiều nước, ít hạt, ít xơ, tép quả và nước đều có màu vàng. Nổi tiếng nhờ chất lượng và hình thức đẹp, quả đều nên cam giòn Thượng Lộc nhiều năm nay được lựa chọn làm quà biếu các dịp lễ, Tết.
Chị Phan Thị Ánh Tuyết làm việc tại thành phố Hà Tĩnh cho biết thường chọn mua cam giòn để làm quà biếu dịp Tết và để gia đình dùng, mặc dù giá cả cao hơn các loại cam khác, tuy nhiên chất lượng thì không thể chê được.
Theo các hộ trồng cam tại đây, cam giòn Thượng Lộc được trồng tập trung ở vùng Trà Sơn (huyện Can Lộc) cách đây gần 20 năm. Ban đầu, cam giòn được trồng với quy mô nhỏ lẻ, số lượng còn ít và chất lượng chưa đồng đều. Những năm gần đây, nhận thấy được sự vượt trội về chất lượng và giá trị kinh tế cây cam giòn mang lại, đồng thời được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp các ngành tại Hà Tĩnh, thương hiệu cam giòn Thượng Lộc ngày càng vươn xa. Quy mô trồng cam giòn Thượng Lộc được mở rộng hơn rất nhiều so với trước và các vườn cam được đầu tư bài bản hơn về hệ thống tưới tiêu, bón phân, kỹ thuật. Do đó, sản lượng cũng như chất lượng của cây cam giòn tăng lên đáng kể.
Đặc biệt, ngày 09/01/2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã ban hành Quyết định số 1016/QĐ-SHTT ngày về việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Cam Thượng Lộc" cho UBND huyện Can Lộc. Nhờ đó cam giòn Thượng Lộc ngày càng khẳng định được vị trí trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho hay, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi cùng với người dân đầu tư chăm sóc bài bản nên sản lượng cam đạt cao, toàn xã đạt gần 1.900 tấn, cho giá trị kinh tế hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, mùa cam năm nay giá thu mua đầu vụ cao hơn hẳn các năm trước (cam chanh giá 30.000 - 40.000 đồng/kg, cam giòn từ 60.000 - 90.000 đồng/kg). Năm nay, cam vừa được mùa, vừa được giá nên người dân rất phấn khởi. Cây cam vì thế trở thành cây trồng giúp người dân địa phương thoát nghèo, mang lại thu nhập khá.
“Để động viên và khuyến khích người dân trồng mới và tái trồng cam, chính quyền địa phương đã hỗ trợ với mức 15 nghìn đồng/cây cho mô hình trồng tập trung 50 cây trở lên nhằm củng cố, phát triển thương hiệu cam Thượng Lộc và nâng cao thu nhập cho người dân”, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc nhấn mạnh.
Hiện xã Thượng Lộc có khoảng gần 600 hộ trồng cam chanh, cam giòn, tập trung chủ yếu ở thôn Anh Hùng, Thanh Mỹ, Nam Phong, Sơn Bình với diện tích hơn 200ha, trong đó diện tích trồng cam giòn hơn 120ha. Đây cũng là một trong những địa phương có diện tích cam lớn nhất của huyện Can Lộc.
HÀ TĨNH Những ngày này, làng nghề sản xuất mật mía ở xã Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đang ngày đêm đỏ lửa nấu mật phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
NGHỆ AN Nhiều sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP đã tạo dấu ấn, thu hút đông đảo khách tham quan tại Triển lãm Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công.
HÀ TĨNH Sau khi tham gia chương trình OCOP, doanh số bán hàng của các sản phẩm tăng bình quân 40% so với trước khi tham gia chương trình.
Đồng Nai vừa công bố kế hoạch tổ chức Lễ hội 'Hương Bưởi Tân Triều'. Đây là lễ hội về bưởi lần đầu tiên của tỉnh Đồng Nai nhân dịp chào mừng năm mới.
ĐỒNG THÁP Cây ấu trước đây chỉ được trồng vào mùa nước nổi nhưng nay đã trở thành cây trồng mang lại thu nhập ổn định quanh năm cho người dân huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
KIÊN GIANG Tôm khô của Hợp tác xã Hiểu Phát được làm từ tôm thẻ thiên nhiên, nuôi theo mô hình xen canh tôm - lúa hoặc các vùng chuyên tôm nuôi quảng canh cải tiến.
Tại lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần II, Ban tổ chức sẽ đấu giá 3 quả sầu riêng nữ hoàng được chọn tại những vườn đẹp nhất.
THÁI NGUYÊN Do hợp thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu, quả trám trồng ở Hà Châu rất đặc biệt, có vị bùi, béo, thơm, chắc thịt hơn hẳn trám được trồng ở các địa phương khác.