| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 10/02/2021 , 14:45 (GMT+7)
Xích Lô

Xích Lô

14:45 - 10/02/2021

Câu chuyện Ô-Cốp

Sản phẩm OCOP kết tinh từ bàn tay tài hoa, khối óc sáng tạo, thổi hồn sức sống, chất liệu sinh động từ văn hoá dân gian, bản sắc địa phương...

Gần đây, đi nhiều nơi, dự nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn, thường bắt gặp biểu trưng O-C-O-P, những chữ đơn giản hình như đã lan tỏa vào các chương trình phát triển nông thôn của nhiều địa phương.

Vậy những chữ đó là gì mà bàn thảo từ Trung ương xuống đến địa phương, từ ngành chuyên môn cho đến hợp tác xã, doanh nghiệp cá thể nhiều như vậy? Tóm tắt lại là vầy, OCOP là chương trình mang tên “Mỗi xã một sản phẩm”, một ý tưởng xuất phát từ Nhật Bản, được Thái Lan phát triển thêm những giá trị có tính chiều sâu hơn.

Nói cho gọn, “OCOP - Mỗi xã, phường một sản phẩm” thực chất là giải pháp để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng các địa phương vốn dĩ là những tiềm năng, lợi thế của các vùng miền chưa được phát huy, đánh thức.

Bốn mươi năm trước, người ta đã đưa ra ý tưởng như vậy. Chiều sâu của câu chuyện Ô-Cốp (OCOP) chính là khai thác những giá trị hữu hình từ tài nguyên bản địa khác biệt, kết hợp giá trị vô hình từ văn hóa, truyền thống lịch sử địa phương, để tạo ra những sản phẩm cộng đồng độc đáo, giàu bản sắc.

Như vậy, mục tiêu của làm Ô-Cốp là khơi dậy tiềm năng còn ẩn đâu đó ở mỗi địa phương, tựa chuyện kể Mai An Tiêm ngày trước gieo hạt giống nơi miền đất xa, chăm chút gửi đi từng quả dưa ngon, nức tiếng khắp nơi.

Đất nước mình được thiên nhiên ban tặng những món quà quý giá mà không phải vùng đất nào cũng có được. Nào là rừng núi ngút ngàn, nào là biển đảo xanh biếc, nào là đồng bằng phì nhiêu, nào là sông nước sóng sánh cá tôm. Thời tiết bốn mùa, mỗi mùa mỗi khác, mỗi vùng miền mỗi khác. Phong phú vô cùng, khác biệt vô cùng, thú vị vô cùng.

Trên mảnh đất trải dài hình chữ S có năm mươi bốn dân tộc anh em cùng sống chan hòa với nhau, người miền xuôi, người miền ngược, người vùng cao, người vùng thấp. Chính điều khác biệt, sự phong phú, sản vật nơi này có mà nơi khác không có, đã tạo ra bao nét đặc trưng và đặc sản vùng miền, địa phương. Đặc trưng từ văn hóa dân gian cho đến ẩm thực dân tộc. Đặc trưng từ cảnh quan thiên nhiên cho đến cây trồng, vật nuôi. Đặc trưng từ cách sống cho đến các tập tục làng quê.

Đó chính là những câu chuyện tuyệt vời cho du khách khám phá, trải nghiệm. Sản phẩm OCOP sẽ trở thành câu chuyện kể giàu cảm xúc để du khách mang theo về làm quà.

Người xưa đúc kết “Bụt nhà không thiêng”, chắc là muốn nhắc đến những gì quanh quất ngày này qua năm khác, nên đôi khi nhàm chán, tầm thường, có gì quan trọng, có gì đặc biệt. Đã suy nghĩ như vậy thì không xem trọng, không nhìn ra giá trị cốt lõi quý giá ẩn chứa bên trong.

Nhưng “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”. Như vậy,“cục đất” còn có “tâm hồn”, thì huống chi là những dòng sông uốn khúc đỏ nặng phù sa, lũy tre thẳng vút, bờ ruộng, mảnh vườn xanh ngát, lại không có “tâm hồn”.

Những vật tưởng chừng khô khan còn có “tâm hồn”, thì huống chi là truyền thống lịch sử, tinh hoa văn hóa của một dân tộc. Như vậy, “tâm hồn” của những điều tưởng chừng “vô hồn” nếu kết hợp với “tâm hồn” của những điều “có hồn” thì sẽ tạo thành sản phẩm đầy hồn cốt chuyển tải câu chuyện lý thú rồi.

Sản phẩm OCOP kết tinh từ bàn tay tài hoa, khối óc sáng tạo, thổi hồn sức sống, chất liệu sinh động từ văn hóa dân gian, bản sắc địa phương vào những tài nguyên tưởng chừng bình thường thành những giá trị cao, trở thành hình ảnh biểu trưng, niềm tự hào của mỗi người, mỗi cộng đồng, mỗi địa phương.

Sản phẩm OCOP hay bất cứ sản phẩm nào, đâu phải chỉ được tạo ra chỉ bởi một người, cho dù người đó giỏi giang đến mấy, tài hoa đến mấy, nhiều tiền của đến mấy; mà cần sự chung tay của nhiều người cùng tham gia. Từ cung cấp nguyên liệu, chế biến, sản xuất đến mẫu mã bao bì, nhãn hiệu. Nguồn nguyên liệu cũng cần đến nhiều người vì mỗi sản phảm đâu chỉ một nguyên liệu là đủ. Khi chế biến, sản xuất lại cần nhiều người, mỗi người một tay, mỗi nhà mỗi việc. Vậy mỗi sản phẩm là công sức của nhiều người, của một cộng đồng, một làng quê. Tên gọi “Một làng, một sản phẩm” ý nghĩa là như vậy.

Tạo ra được một sản phẩm kết tinh nhiều giá trị như vậy đã khó nhưng đưa được sản phẩm đến tay người tiêu dùng lại càng khó hơn trong một thị trường “trăm người bán, vạn người mua”. Đất nước mình bao nhiêu làng xã, tương ứng với bao nhiêu sản phẩm gần như tương đồng thì lại thêm cái khó. Buôn bán có khi “bữa trúng bữa thất” dễ sinh ra chán nản là thêm một cái khó. Khó vậy, nên mới cần đến sự hỗ trợ, hợp sức của các ngành chuyên môn, cấp uỷ chính quyền, sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu văn hoá, vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp và sự kiên nhẫn, trân trọng của người tiêu dùng Việt đối với những sản phẩm Việt “mỗi ngày mỗi hoàn thiện”.

Phát triển sản phẩm OCOP không chỉ giúp người dân tăng thêm thu nhập mà còn làm thay đổi cách suy nghĩ, thậm chí là cách sống đoàn kết, hợp tác, san sẻ của người dân. Phát triển sản phẩm OCOP không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì trách nhiệm và lòng tự hào với quê hương, xứ sở. Sản phẩm OCOP phải kết tinh giá trị hữu hình lẫn vô hình. Đừng “vô hồn hóa”, “đồng phục hóa” sản phẩm OCOP vì số lượng gắn sao, vì thành tích địa phương.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm