Chủ nhật, 24/11/2024 | 07:14 GMT +7
Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Công ty Thương mại Quảng Trị) nhớ lại cách đây 20 năm, nếu công ty muốn tìm quỹ đất sản xuất nông nghiệp sẽ dễ hơn bây giờ rất nhiều. Thế nhưng, Công ty đã không làm như vậy.
Đất đai là tư liệu sản xuất quý báu số một của nông dân. Nông dân còn, đất nông nghiệp còn, nông dân phải có việc làm. Thế mạnh của nông dân là có đất, có đam mê và sự kiên nhẫn. Cái đó, không phải công nhân nông nghiệp nào cũng làm được.
Nhưng hợp tác với nông dân, khó nhất là hai bên giữ được sự thủy chung. Nếu không đem lại quyền lợi, lợi ích thiết thực, nguyện vọng chính đáng, phù hợp với cơ chế thị trường thì rất khó để giữ chân nông dân. Một kế hoạch “níu chân” nông đã xuất hiện trong ý tưởng của ông Hiếu ngay từ ngày khởi thủy bước một chân sang lĩnh vực nông nghiệp.
Một điều khó khăn nữa khi hợp tác sản xuất lớn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Quảng Trị đó là đất đai manh mún. Đó là một lực cản khó xóa như xóa đi bờ vùng bờ thửa vốn đã tồn tại cố hữu từ hàng nghìn năm nay vậy.
“Công suất một máy cấy có thể đạt 2 ha lúa/ngày, nhưng với bờ vùng bờ thửa nhằng nhịt như hiện nay thì chỉ đạt 0,5 ha/ngày. Như vừa rồi, chúng tôi triển khai sản xuất 17,5 ha lúa hữu cơ tại xã Hải Quế, huyện Hải Lăng thì có tới 100 hộ dân.
Chỉ cần 1 trong số này không đồng ý thì ý tưởng sẽ phá sản. Nhưng với tôi, ai mạnh mắt xích nào thì đảm nhiệm mắt xích đó. Điều đó tạo ra lợi thế, nông dân tạo ra lợi thế cho chúng tôi. Chúng tôi luôn muốn có sự hợp tác với nông dân nên đã không thuê lại đất như nhiều doanh nghiệp khác vẫn làm. Muốn đi được lâu dài và cùng nhau tới đích thì không thể đi một mình được”, ông Hiếu phân tích.
Vụ đông xuân 2021 - 2022, Công ty Thương mại Quảng Trị hợp tác với 100 hộ dân trồng 17,5 ha lúa hữu cơ tại xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, giống lúa ST25. Từ làm mạ khay, máy cấy, phân bón, phun thuốc BVTV thảo dược… đều được cán bộ kỹ thuật của Công ty đảm nhiệm. Nông dân chỉ phải lấy nước vào ruộng, phát hiện có sâu bệnh thì báo cho Công ty, sục bùn và… chờ ngày ra tận ruộng nhận tiền!
Thật may mắn khi trận lũ trái vụ cuối tháng 3, đầu tháng 4 đã không gây ảnh hưởng lớn đến diện tích lúa này. Năng suất lúa hữu cơ tại Hải Quế vẫn đạt 6 tấn/ha. Công ty Thương mại Quảng Trị đã để lại 10% sản lượng cho nông dân sử dụng. Số còn lại được Công ty thu mua lúa tươi tại chân ruộng với giá 11 nghìn đồng/kg.
Ông Hiếu cho rằng, cần phải xóa bỏ tư duy nông dân dành những gì tinh túy nhất, ngon nhất, an toàn nhất để bán, thu về đồng tiền. Thay vào đó, hãy để nông dân tận hưởng những gì mình làm ra và xứng đáng được hưởng.
“Khi chúng tôi đã chứng minh được giá trị của nông nghiệp hữu cơ thì nhiệm vụ xóa bờ vùng bờ thửa là quan trọng nhất. Nhưng khó! Chính quyền dù có tích cực đến đâu cũng phải tôn trọng quy luật phát triển. Khi nông dân chưa chịu thì cũng phải bó tay. Nhưng tôi tin, ngày đó không còn xa nữa. Chuyển đổi ruộng đất, tích tụ đất đai không sớm thì muộn cũng sẽ đến thôi”, ông Hồ Xuân Hiếu tin tưởng.
Hiện Công ty Thương mại Quảng Trị đang hợp tác sản xuất với 50 nghìn hộ dân tại địa bàn tỉnh Quảng Trị để trồng các loại cây như sắn, cao su, gỗ, ngô, dong riềng… Năm 2021, 50 nghìn hộ dân này thu về 800 tỷ đồng, chủ yếu là đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Trị. Mục tiêu của Công ty là ngày càng có nhiều mối liên kết với nông dân trên tinh thần hai bên đều có lợi
Công ty Thương mại Quảng Trị hiện có trên 200 ha liên kết với nông dân các huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị để sản xuất lúa an toàn. Riêng vụ xuân 2022, Công ty thu về trên 1 nghìn tấn lúa tươi. Thương hiệu gạo an toàn VietGAP, gạo hữu cơ Sepon Rice đã có mặt trên nhiều hệ thống siêu thị của Sepon tại 12 tỉnh thành trên cả nước và đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu.
“10% lúa chúng tôi để lại cho nông dân sử dụng. Theo kế hoạch, 40% sẽ được bán ở thị trường trong nước, 50% xuất khẩu. Nhưng đó là câu chuyện của tương lai. Gạo hữu cơ Sepon phải để cho người Việt Nam sử dụng cái đã, lúc nào dôi dư thì mới tính đến chuyện xuất khẩu sang trời Âu”, ông Hiếu phấn khởi.
Bước chân vào lĩnh vực sản xuất lúa hữu cơ, Công ty Thương mại Quảng Trị xác định có thể lỗ, thậm chí là "lỗ bền vững" như đầu tư máy sấy lúa mà Công ty đã triển khai. 4 máy sấy của Công ty được đầu tư 11 tỷ đồng, công suất 200 tấn/ngày và chỉ hoạt động được 30 ngày/năm. Nếu tính về lợi nhuận thì ít đơn vị nào đầu tư. Tuy nhiên, với ông Hiếu, đó là điều có lợi cho nông dân, cho Công ty, nhất là ở Quảng Trị, một vùng chiêm khê, mùa trũng. Hải Lăng có 5 xã thấp hơn mực nước biển, kho chứa lúa sấy của Công ty còn là nơi cất giữ lúa cho bà con nông dân.
Nhưng cũng theo ông Hiếu, chỉ khoảng 5 năm sau, các doanh nghiệp sản xuất lúa hữu cơ sẽ không phải lo đến câu chuyện ấy nữa. Dù đang bán với giá rất mềm nhưng chính các công đoạn khép kín trong quy trình sản xuất, tận dụng hết mọi phụ phẩm nông nghiệp đã giúp Công ty Thương mại Quảng Trị đem lại lợi ích thiết thực cho cả nhà nông và doanh nghiệp.
Những cánh đồng lúa hữu cơ tại Quảng Trị sau mỗi mùa gặt đầy ắp cá tôm. Những hình ảnh ấy tưởng chừng chỉ xuất hiện cách đây hàng chục năm hay ở những cánh đồng thẳng cánh cò bay tại ĐBSCL. Hay như khi ốc bươu vàng xuất hiện trên những cánh đồng được Công ty đầu tư, nông dân bắt và bán cho Công ty với giá 5 nghìn đồng/kg. Những cánh đồng bị đốt cháy nham nhở sau mỗi vụ gặt trước đây nay sẽ được máy cuộn rơm của Công ty đến tận nơi thu mua rơm tươi. Nông dân cũng có thể tự cuộn rơm, bán lại cho Công ty.
Giá rơm hữu cơ cũng đắt hơn rơm an toàn và rơm được sản xuất theo phương thức truyền thống. Nguồn rơm này sẽ được Công ty thu mua, ủ với rỉ mật trong môi trường yếm khí, yếm sáng để làm thức ăn cho những đàn bò nông hộ do Công ty đầu tư. Tất cả đều khép kín theo một vòng tuần hoàn, tất cả vòng khép kín ấy đều cho ra sản phẩm an toàn, chất lượng từ những sản phẩm của đất trời.
Ông Trần Xuân Anh, Bí thư Huyện ủy Triệu Phong cho rằng, mô hình sản xuất lúa hữu cơ của Công ty Thương mại Quảng Trị cho thấy hiệu quả kinh tế cao và hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững. Theo khảo sát, Triệu Phong có trên 1 nghìn ha đất nông nghiệp có thể trồng lúa hữu cơ tại 37 HTX, phân bố ở 52 vùng trồng. Vụ đông xuân 2022 - 2023, Huyện ủy Triệu Phong sẽ chỉ đạo UBND huyện triển khai, tháo gỡ những vướng mắc để hợp tác với Công ty Thương mại Quảng Trị duy trì, mở rộng sản xuất lúa hữu cơ.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.