Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:25 GMT +7

  • Click để copy
Thứ năm- 07:44, 11/07/2024

Sản xuất nông nghiệp thân thiện môi trường lên ngôi

HÀ TĨNH Thay vì đổ chất thải gia súc, gia cầm trực tiếp ra môi trường, những năm gần đây, người chăn nuôi huyện Cẩm Xuyên phát triển mạnh kỹ thuật xử lý chất thải tuần hoàn.
Mô hình chăn nuôi tuần hoàn của gia đình ông Võ Văn Thắng (thôn Hoa Thám, xã Cẩm Lạc) vừa gia tăng được hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Ảnh: TN.

Mô hình chăn nuôi tuần hoàn của gia đình ông Võ Văn Thắng (thôn Hoa Thám, xã Cẩm Lạc) vừa gia tăng được hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Ảnh: TN.

Huyện Cẩm Xuyên là một trong những địa phương có tỷ lệ chăn nuôi nông hộ lớn nhất nhì tỉnh Hà Tĩnh. Việc phát triển mạnh chăn nuôi đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nhưng cũng tạo áp lực về môi trường.

Trước đây chất thải chăn nuôi người dân gom trực tiếp vào hố phân bằng xi măng hoặc bằng đất, không lót bạt, không che chắn, lâu dần ngấm sâu vào mạch nước ngầm, gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Hiện nay, đại bộ phận bà con đã xây dựng hố biogas để thu gom chất thải, đưa chế phẩm vi sinh vào xử lý mùi hôi, hạn chế tác động tới môi trường.

Tại xã Cẩm Lạc (huyện Cẩm Xuyên), đầu năm 2023, sau khi được chính quyền địa phương tập huấn, gia đình ông Võ Văn Thắng ở thôn Hoa Thám đã tận dụng vườn đồi rộng xây dựng hệ thống chuồng trại để thả nuôi 5 lợn nái, 30 con bò, 300 con gà, vịt.

Để có nguồn thức ăn hữu cơ phục vụ chăn nuôi, ông Thắng trồng gần 1ha lạc, xây dựng chuồng nuôi giun quế. Đây là mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ liên kết với Tập đoàn Quế Lâm đầu tiên được triển khai trên địa bàn xã Cẩm Lạc.

Ông Thắng xây dựng chuồng nuôi giun quế. Ảnh: TN.

Ông Thắng xây dựng chuồng nuôi giun quế. Ảnh: TN.

Theo ông Thắng, phân lợn và phân bò được sử dụng làm thức ăn cho giun quế. Giun quế làm thức ăn cho gà. Thân cây lạc khi thu hoạch được phơi khô làm thức ăn dự trữ cho bò và lợn. Với cách làm này, gia đình ông không phải lo chi phí mua thức ăn vì tất cả được tuần hoàn khép kín.

"Năm đầu tiên triển khai, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình tôi thu về hơn 200 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn không chỉ giúp gia đình tôi tiết kiệm được chi phí sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn mà còn giải quyết được bài toán về môi trường”, ông Võ Văn Thắng phấn khởi.

Cũng tiên phong sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, gia đình ông Võ Hữu Tùng, cùng trú thôn Hoa Thám mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình sản xuất lúa kết hợp thả nuôi cá. Trên thửa ruộng 1,5ha, ông Tùng vừa sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, vừa đào ao thả các loại cá trắm, cá chép xung quanh.

Phân lợn và phân bò được sử dụng làm thức ăn cho giun quế, giun quế làm thức ăn cho gà. Ảnh: TN.

Phân lợn và phân bò được sử dụng làm thức ăn cho giun quế, giun quế làm thức ăn cho gà. Ảnh: TN.

Ông Tùng cho biết, mô hình sản xuất cá - lúa kết hợp không chỉ giúp gia đình ông nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích mà lúa sản xuất theo hướng hữu cơ hoàn toàn không phun thuốc bảo vệ thực vật nên an toàn và đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng, đồng ruộng cũng được cải tạo để các vụ sau cho năng suất hơn.

“Giá bán lúa sản xuất theo hướng hữu cơ vụ hè thu vừa qua đạt khoảng 10.000đ/kg nên sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lợi nhuận hơn 30 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với sản xuất truyền thống như trước đây”, ông Tùng nhẩm tính.

Ngoài các mô trình trên, trên địa bàn xã Cẩm Lạc còn phát triển rất hiệu quả các mô hình như: Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bằng kỹ thuật mạ khay, máy cấy với diện tích 3ha ở thôn Phú Đoài; áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính với diện tích 10ha ở thôn Quang Trung 2; sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ với diện tích 20ha ở thôn Quang Trung 1 và thôn Hoa Thám.

Tại Cẩm Xuyên đã và đang phát triển mạnh nhiều mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Ảnh: TN.

Tại Cẩm Xuyên đã và đang phát triển mạnh nhiều mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Ảnh: TN.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc, thông tin, để thực hiện thành công các mô hình trên, địa phương đã hỗ trợ tích cực cho người dân về kỹ thuật và một phần chi phí sản xuất. Các mô hình dựa trên nền kỹ thuật canh tác cải tiến, góp phần bảo vệ đất, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế.

“Năm 2024 và các năm tiếp theo, Cẩm Lạc sẽ tiếp tục vận động người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường”, ông Dũng nhấn mạnh.

Thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, việc kêu gọi doanh nghiệp liên kết sản suất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, giảm phát thải ra môi trường thời gian qua tại Cẩm Xuyên đã phát triển khá mạnh mẽ. Quan trọng, chủ trương này được người dân đồng tình, đăng ký tham gia, điều này thể hiện sự thay đổi nhận thức rất lớn của bà con trong việc tiến tới sản xuất nông nghiệp xanh.

Thanh Nga

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm