Thứ hai, 29/04/2024 | 12:19 GMT +7

  • Click để copy
Thứ năm- 07:05, 06/04/2023

Ngày tàn của 'thủ phủ cam' Quỳ Hợp

NGHỆ AN Lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học, chất lượng giống bị thả nổi, dịch bệnh hoành hành... khiến vùng cam Quỳ Hợp một thời vàng son nay đang có nguy cơ bị 'xóa sổ'.

Thời "hoàng kim", cây cam phủ kín đất Quỳ Hợp (Nghệ An) nhưng nay chỉ sót lại trên dưới 100ha. Chẳng bao lâu nữa, cây cam sẽ bị xóa sổ hoàn toàn ở đây.

Empty

Nghề trồng cam trên đất Quỳ Hợp đang ở ngày tàn. Ảnh: Việt Khánh.

Cận kề "xóa sổ"

Huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) có trên 5.000 ha đất đỏ Bazan màu mỡ, trù phù, trải dài khắp 6 xã Minh Hợp, Nghĩa Xuân, Hạ Sơn, Văn Lợi, Tam Hợp và Châu Đình, được các chuyên gia đánh giá là điều kiện lý tưởng để phát triển các loại cây ăn quả có múi, đặc biệt là cây cam.

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, toàn huyện Quỳ Hợp đã trồng được 200ha cam, quýt có chất lượng, các mặt hàng được xuất khẩu sang thị trường Liên Xô (cũ) ở những năm kế tiếp, ước tính khoảng 1.000 tấn/năm.

Hòa theo xu thế, cây cam Quỳ Hợp phát triển như vũ bão, thương hiệu không ngừng vang xa. Năm 2007, cam Quỳ Hợp được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp Chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý thương hiệu “Cam Vinh”, qua đó khẳng định vị thế riêng biệt trên thị trường, dòng sản phẩm làm ra được đông đảo người tiêu dùng tín nhiệm.

Từ nền tảng đó, số đông đều chắc mẩm huyện Quỳ Hợp sẽ vẽ nên bức tranh đầy xán lạn trong tương lai. Dù vậy, cây cam đã chóng vánh bị đẩy vào viễn cảnh không thể bi đát hơn, với tình hình hiện tại e chẳng bao lâu nữa, cây cam sẽ biến mất trên thủ phủ đất đỏ bazan này.

Thực trạng buồn này không tự nhiên ập tới, mà có nguyên do. Căn cơ phải bàn đến tình trạng tự phát, tự ý nhân rộng diện tích cam trên những vùng đất không phù hợp, không nằm trong quy hoạch. Việc này diễn ra phổ biến, nhan nhản khắp nơi, kéo dài mải miết suốt năm này sang năm khác. Việc đưa cây cam vào những vùng đất không thực sự phù hợp, cộng với việc thiếu quy trình canh tác phù hợp đã khiến cây cam sinh trưởng, phát triển kém, rất dễ nhiễm sâu bệnh...

Empty

Nhân rộng diện tích ồ ạt, tự ý trồng ngoài quy hoạch là nguyên do đưa nghề trồng cam vào tình thế khốn cùng. Ảnh: Việt Khánh.

Cây yếu và chết ngày một nhiều, chất lượng sản phẩm không đảm bảo, cứ thế làm giảm sức cạnh tranh của thương hiệu Cam Vinh - Quỳ Hợp và cuối cùng gây thất thu nặng nề cho chính người trồng. Kinh doanh không có lãi, nợ nần ngày một chất chồng, từ vốn quý, cây cam dần thành “của nợ” trong mắt người dân Quỳ Hợp.

UBND huyện Quỳ Hợp đã phối hợp cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An và các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Rau quả trực tiếp lấy mẫu phân tích, bước đầu xác định được những nguyên nhân căn cơ gây nên hiện tượng suy thoái cam trầm trọng.

Đầu tiên là do giống, phần đa giống cam tại Quỳ Hợp đang được chiết ghép ngay tại vườn dưới dạng tự phát, sau đó cung ứng cho người trồng cam ngay trong vùng. Đã thế phương pháp sản xuất chủ yếu là chiết, ghép thủ công nhưng cây cung cấp mắt ghép, cành chiết đa phần lấy từ những vườn cây chưa được cấp có thẩm quyền công nhận, thậm chí đã bị nhiễm các loại bệnh nguy hiểm khiến dịch bệnh lan ra nhanh chóng.

Kiến thức hạn hẹp, quy trình canh tác lộn xộn theo dạng mạnh ai nấy làm, chạy theo năng suất ngắn hạn, lạm dụng phân bón, thuốc BVTV, "bóc lột" cùng kiệt cây cam của đại bộ phận nông dân, nhất là những hộ trong diện phá vỡ quy hoạch cũng trực tiếp làm đất đai nhanh chóng bị suy thoái, mất hàm lượng hữu cơ, kéo tụt vi lượng trong đất. Lâu dần khiến đất trồng cam bạc màu, trơ cứng, đất thường bị đóng váng chặt vào mùa mưa và chai lỳ vào mùa nắng.

Giai đoạn 2016 - 2018, toàn huyện Quỳ hợp có hơn 800ha cam bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ và rụng quả đồng loạt. Trong tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan", địa phương buộc phải phá bỏ đến 500ha, việc này gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người trồng cam.

Empty

Nghị quyết “Phát triển cây ăn quả có múi giai đoạn 2021 – 2025 và những năm kế tiếp” của Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp không thể đến được cái đích như mong đợi. Ảnh: Quốc Toản.

Nhằm cứu vãn tình hình, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp đã ban hành Nghị quyết số 04 ngày 7/5/2021 về “Phát triển cây ăn quả có múi giai đoạn 2021 – 2025 và những năm kế tiếp”. Nghị quyết kỳ vọng vực dậy 3.000ha cây ăn quả có múi, riêng diện tích trồng cam là 2.500ha. Dù mới triển khai Nghị quyết, nhưng xem ra chẳng thể đi đến đích, nhất là khi mọi thứ đã hoàn toàn vượt ngoài tầm kiểm soát.

Những con số thống kê đã nói thay tất cả, thời điểm ban hành Nghị quyết, toàn huyện ghi nhận trên 2.157ha cây trồng có múi với tổng sản lượng đạt 19.021 tấn. Dù vậy đến cuối năm 2022, chỉ còn khoảng 925ha, tổng sản lượng tụt dốc thảm hại, chỉ còn 14.847 tấn. Tình hình hiện tại xem ra còn bi đát hơn khi tổng diện tích trồng cam chỉ còn lác đác trên dưới 100ha.

Trao đổi với PV NNVN, đại diện cơ quan chuyên ngành của huyện Quỳ Hợp xác nhận, dự kiến đến hết năm 2023, cơ bản những diện tích cam còn tồn tại sẽ chính thức bị… xóa sổ!

Kết quả phân tích mẫu đất tại các vùng trồng cam của Quỳ Hợp phát hiện nấm Fusarium gây hại vùng rễ (bệnh vàng lá thối rễ), nấm Phytophthora hại gốc - thân gây xì mủ và tuyến trùng trong đất (mật độ trên 2.000 con/100g đất), quy mô lớn gấp nhiều lần bình thường…, kết hợp với hàng loạt yếu tố khác đã đẩy nghề trồng cam vào cảnh khốn cùng.

Trồng cam bây giờ là tự sát!

Trong nỗ lực hồi sinh cây cam, các bên liên quan đã tiến hành tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn (thâm canh cam VietGAP sử dụng túi bọc quả). Song song với đó, huyện Quỳ Hợp đã chỉ đạo các xã ra sức tuyên truyền, vận động người trồng cam không phá vỡ quy hoạch, đồng thời mạnh dạn phá bỏ diện tích nhiễm bệnh, luân canh cây trồng khác (mía, ngô) nhằm cắt đứt mầm bệnh và thay đổi chân đất.

Empty

Trồng cam tại Quỳ Hợp lúc này là điều không khả thi. Ảnh: Quốc Toản.

Nhân đây, xin nhắc lại nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 04 ngày 7/5/2021 về phát triển cây ăn quả có múi mà Ban thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp đã ban hành. Bám vào Nghị quyết này, Công ty TNHH MTV Xuân Thành và Công ty TNHH MTV Nông Công nghiệp 3/2 sẽ khâu nối cùng các cơ quan chuyên môn nghiên cứu về điều kiện thổ nhưỡng, xác định vùng trồng phù hợp để định hướng sản xuất cho doanh nghiệp và người dân.

Dù sao đó là câu chuyện của tương lai, còn hiện tại, dẫu muốn hay không, số đông người trong cuộc phải chấp nhận một thực tế phũ phàng: Trồng cam lúc này là tự sát!

Đã nếm đủ đắng cay, ngọt bùi với cây cam, ông Lê Viết Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuân Thành thành thật chia sẻ những lời gan ruột: “Diện tích cam trồng từ 2015 trở lại đây gần như hỏng hết, đất chưa bao giờ trồng trước đó cũng hỏng. Về mặt khoa học, khi phân tích chất đất của các vùng trồng cho thấy bị nhiễm bệnh rất nặng, đặc biệt là tuyến trùng vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Điều kiện thực tại không cho phép trồng cam, tốt nhất nên dừng lại”.

Từ 2019 đến nay, Công ty TNHH MTV Xuân Thành kiên quyết không trồng mới cây ăn quả có múi để chuyển đổi sang trồng mía (500ha liên kết với NASU, sản lượng trên 50.000 tấn/năm) và trồng ngô sinh khối, dẫu hiệu quả kinh tế chưa thể so bì với cây cam xưa kia nhưng lại nằm trong vùng an toàn, phù hợp với diễn biến thực tại.

Empty

Công ty TNHH MTV Xuân Thành đã 3 lần phát văn bản cấm trồng cam để hạn chế rủi ro cho người dân. Ảnh: Việt Khánh.

“Đến nay, Công ty đã 3 lần ra thông báo cấm trồng cam. Thời gian đầu áp dụng, tâm lý của người dân rất bức bí, nhiều hộ còn suy diễn “công ty sợ dân giàu” mới cấm đoán như vậy. Xuất phát từ suy nghĩ đó, có 5 hộ vẫn kiên quyết duy trì trồng cam cho bằng được, để rồi giờ đây đều chung kết cục bi đát, mới nhất hộ ông Tr. X. H đã phải tiến hành phá bỏ 2ha cam gần 4 năm tuổi. Kết quả thực tiễn chứng minh quan điểm của Công ty là đúng.

Khi điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ tiếp tục trồng cây ăn quả cho múi, có điều không phải bây giờ. Nghề trồng cam manh nha từ năm 1974, hoàng kim là giai đoạn 1984, 1985, đến 1993 lại phá sạch. Nghỉ ròng rã 10 năm, mãi đến 2003 mới trồng lại. Nếu thuận theo tự nhiên, dự kiến đến năm 2028 – 2030 mới có thể làm tiếp”, ông Minh khẳng định.

Nhớ lại những ngày "hoàng kim", có lẽ hiếm đơn vị nào so bì được với Công ty TNHH MTV Xuân Thành về hiệu quả kinh tế thu về từ cây cam. Đỉnh điểm là khi đơn vị mở rộng quy mô trên 1.000ha cây trồng có múi, hoành tráng là vậy nhưng nay chỉ sót lại 68ha, bao gồm 20ha cam chỉ còn duy trì sự sống lay lắt, có cũng như không; diện tích còn lại trồng quýt nhưng chất lượng kém vô cùng, hiện chưa bán được quả nào.

Việt Khánh - Quốc Toản

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

1.000 cây bưởi và 7.000 trụ tiêu doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm

1.000 cây bưởi và 7.000 trụ tiêu doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm

BÌNH ĐỊNH Toàn bộ sản phẩm bưởi, hồ tiêu trồng theo hướng hữu cơ của ông Đặng Văn Cấp được HTX Nông nghiệp Thanh Niên Hoài Ân bao tiêu, nhà vườn không phải lo đầu ra…

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm