Thứ hai, 02/12/2024 | 10:31 GMT +7

  • Click để copy
Thứ sáu- 09:05, 29/11/2024

Làng nấu mật mía truyền thống 50 năm đỏ lửa vào vụ Tết

HÀ TĨNH Những ngày này, làng nghề sản xuất mật mía ở xã Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đang ngày đêm đỏ lửa nấu mật phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Cứ vào dịp cuối tháng 10 âm lịch hàng năm, khi mùa đông về mang theo những cơn gió se lạnh cũng là lúc những ruộng mía bạt ngàn ở xã Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) bắt đầu cho thu hoạch và mùa ép mật lại tất bật bước vào vụ Tết. Dường như sự vất vả, khó nhọc của nghề trồng mía nấu mật không làm cho người dân nơi đây cảm thấy bận lòng mà ngược lại, sản phẩm làm ra ngày càng được thị trường ưa chuộng, giá bán cao nên người trồng mía càng thêm gắn bó với nghề truyền thống này.

Những ngày này, người dân xã Thọ Điền đang tất bật thu hoạch mía để ép nấu mật. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Những ngày này, người dân xã Thọ Điền đang tất bật thu hoạch mía để ép nấu mật. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Mùa mật ngọt ngào ở vùng biên giới

Dưới cái rét nhẹ đầu đông và mưa phùn, anh Nguyễn Công Kiên tại thôn 3 xã Thọ Điền hối hả chặt và chất những bó mía lên xe để mang về nhà nấu mật. Dù mệt nhọc nhưng anh Kiên vẫn không giấu nổi niềm vui khi năm nay mía được mùa và giá mật đầu mùa vẫn ổn định như mọi năm. Anh phấn khởi nói: “Năm nay gia đình tôi trồng gần 3 sào mía, sản lượng ước đạt hơn 1 tấn mật, giá mật mía đầu mùa đang ở mức 30.000đ/kg và sẽ tăng hơn vào dịp Tết, gia đình tôi ước thu về gần 50 triệu đồng”.

Nhanh tay khuấy liên tục chảo mật đang sôi trên bếp, ông Nguyễn Quốc Toản ở thôn Đăng Thị (xã Thọ Điền) vui vẻ cho biết: “Việc nấu mật mía cũng là một quá trình phức tạp, yêu cầu người nấu phải có kỹ thuật, kinh nghiệm mới có thể cho ra những mẻ mật thơm ngon. Sau khi ép nước mía là công đoạn chuẩn bị lò, củi để nấu. Để có một chảo mật như thế này phải dùng đến 100 lít nước mía. Sau khi đun sôi, tất cả cặn bã sẽ nổi lên phía trên. Lúc này người nấu phải dùng một cái vợt, nhanh tay vớt hết bọt cặn bã ra ngoài, nếu không sẽ bị tràn ra bếp.

Cây mía sau khi chặt sẽ được kết thành từng bó, đưa lên xe đem về nhà ép lấy mật. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Cây mía sau khi chặt sẽ được kết thành từng bó, đưa lên xe đem về nhà ép lấy mật. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Sau khi vớt sạch bọt, bã, nước mía sẽ tiếp tục được đưa vào một thùng lớn để lọc lấy nước sạch. Sau đó tiếp tục đun nấu. Quá trình nấu mật mía quan trọng nhất là giữ lửa trong lò luôn ổn định. Nếu lửa quá to, tay đảo không đều, mật dễ bị cháy, lửa quá nhỏ thì công đoạn keo mật sẽ rất lâu.

Công đoạn keo mật rất công phu, mất thời gian và công sức nhất. Ở công đoạn này, yêu cầu người nấu phải đảo liên tục và đều tay. Khi bắt đầu sôi, nếu không vớt kịp bọt làm mật bị trào thì mật sẽ có màu đen, kém thơm ngon. Khi nước mía chuyển sang sền sệt và có màu đỏ thì công đoạn nấu mật coi như đã hoàn tất. Quá trình này kéo dài từ 4 - 5 tiếng”.

Năm nay gia đình anh Toản trồng hơn 2 sào mía, sản lượng mật ước đạt gần 8 tạ, đem lại nguồn thu gần 30 triệu đồng. Theo anh Toản, so với các cây hoa màu như lúa, ngô, lạc… thì thu nhập từ trồng mía làm mật cao hơn rất nhiều lần và đầu ra ổn định hơn.

Nước mía sau khi được ép và loại bỏ tạp chất sẽ được nấu lên và khuấy đều liên tục, vớt bọt, cặn bã để tạo ra sản phẩm mật thơm ngon. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nước mía sau khi được ép và loại bỏ tạp chất sẽ được nấu lên và khuấy đều liên tục, vớt bọt, cặn bã để tạo ra sản phẩm mật thơm ngon. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nghề truyền thống 50 năm giúp bà con ấm no

Những ngày này, tại Hợp tác xã Dịch vụ mật mía Sơn Thọ (thôn 1, xã Thọ Điền) không khí sản xuất đang rất khẩn trương. Tiếng máy ép, tiếng sôi của mật mía làm cho cơ sở nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Chị Đoàn Thị Nhàn, Giám đốc HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ cho biết: Mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường từ 15 - 20 nghìn lít mật mía. Năm nay, mặc dù mới đầu mùa nhưng số lượng khách hàng đặt mua mật mía nhiều nên HTX phải làm việc hết công suất, khu vực bếp nấu gần như đỏ lửa cả ngày lẫn đêm. Hiện mỗi ngày chúng tôi ép được khoảng 3 - 4 tấn mía tươi, tương đương nấu được khoảng 300 lít mật thương phẩm, những ngày giáp Tết số lượng còn tăng lên 1.000 lít mỗi ngày.

Những chai mật được đóng cẩn thận, có dán tem của HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ được người tiêu dùng tin tưởng hơn khi sử dụng, vì thế sản phẩm mật mía của HTX bán rất được giá, khoảng 60 - 70 nghìn đồng/lít. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Những chai mật được đóng cẩn thận, có dán tem của HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ được người tiêu dùng tin tưởng hơn khi sử dụng, vì thế sản phẩm mật mía của HTX bán rất được giá, khoảng 60 - 70 nghìn đồng/lít. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Theo chị Nhàn, năm 2020, sản phẩm mật mía của HTX được công nhận OCOP cấp tỉnh, từ đó sản phẩm được khẳng định chất lượng và có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Những chai mật được đóng cẩn thận, có dán tem của HTX được người tiêu dùng tin tưởng hơn khi sử dụng, vì thế sản phẩm mật mía của HTX bán rất được giá, khoảng 60 - 70 nghìn đồng/lít.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ mật mía, bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ đã sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... để kết nối thị trường. Nhờ vậy, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn.

Theo những người làm nghề trong làng, dùng củi nấu mật mía tuy vất vả, tốn công sức, thời gian nhưng mật thơm ngon, sánh mịn hơn so với phương pháp nấu công nghiệp. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Theo những người làm nghề trong làng, dùng củi nấu mật mía tuy vất vả, tốn công sức, thời gian nhưng mật thơm ngon, sánh mịn hơn so với phương pháp nấu công nghiệp. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Theo đánh giá của khách hàng, mật mía Thọ Điền đặc sánh, màu sắc đẹp, bắt mắt và có hương vị ngọt đặc trưng ít nơi đâu có thể sánh được. Vì vậy những ngày cuối năm âm lịch, khách hàng trong và ngoài tỉnh đổ xô về xã Thọ Điền để mua mật mía. Chị Phan Thị Nga tại thành phố Hà Tĩnh lên đây để mua mật cho biết: "Nhiều năm nay, tôi chỉ mua mật ở đây vì mật thơm ngon, chất lượng. Ngoài mua về cho gia đình sử dụng tôi còn mua biếu người thân”.

Theo những bậc cao niên trong làng, nghề nấu mật mía ở Thọ Điền đã tồn tại hơn 50 năm. Ngày trước, địa phương này vốn là nơi trồng mía lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Thấy đầu ra cây mía bấp bênh, người dân Thọ Điền quyết định ép mía, nấu mật, nhất quyết không bán mía lỗ vốn. Từ một vài hộ làm, dần dần khi nhu cầu thị trường tăng lên, Thọ Điền hình thành làng làm mật mía, trở thành nghề chủ lực trong phát triển kinh tế.

Mật mía Thọ Điền đặc sánh, màu sắc đẹp, vị ngọt đặc trưng ít nơi đâu sánh được. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Mật mía Thọ Điền đặc sánh, màu sắc đẹp, vị ngọt đặc trưng ít nơi đâu sánh được. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nhờ làm mật mía nên đời sống của nhiều gia đình nơi đây đã khấm khá so với những vùng khác trong huyện. Có những gia đình trừ chi phí có thể lãi 20 - 40 triệu đồng mỗi vụ. 

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Điền, những năm gần đây, cây mía đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Toàn xã hiện sản xuất gần 30ha mía, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 300 tấn mật thương phẩm.

Nhằm giữ vững nghề truyền thống này, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân xây dựng HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ và hiện đang tiếp tục vận động người dân tham gia vào HTX để mở rộng quy mô, sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập cho người dân.

Toàn xã Thọ Điền sản xuất gần 30ha mía, mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 300 tấn mật thương phẩm. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Toàn xã Thọ Điền sản xuất gần 30ha mía, mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 300 tấn mật thương phẩm. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nghề làm mật mía cũng rất thú vị vì sẽ tận dụng hết được tất cả những gì từ cây mía. Sau khi lấy hết phần thân, người ta sẽ trừ lại phần ngọn để tiếp tục trồng cho vụ sau. Các phụ phẩm từ cây mía được người dân tận dụng làm thức ăn cho trâu bò trong những ngày mùa đông giá rét, rất thơm ngon bổ dưỡng.

Ánh Nguyệt

Sản phẩm nông nghiệp tạo dấu ấn tại lễ hội sắc màu di sản

Sản phẩm nông nghiệp tạo dấu ấn tại lễ hội sắc màu di sản

NGHỆ AN Nhiều sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP đã tạo dấu ấn, thu hút đông đảo khách tham quan tại Triển lãm Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công.

Doanh số bán sản phẩm tăng bình quân 40% sau khi tham gia chương trình OCOP

Doanh số bán sản phẩm tăng bình quân 40% sau khi tham gia chương trình OCOP

HÀ TĨNH Sau khi tham gia chương trình OCOP, doanh số bán hàng của các sản phẩm tăng bình quân 40% so với trước khi tham gia chương trình.

Sắp diễn ra lễ hội về bưởi lần đầu tiên tại Đồng Nai

Sắp diễn ra lễ hội về bưởi lần đầu tiên tại Đồng Nai

Đồng Nai vừa công bố kế hoạch tổ chức Lễ hội 'Hương Bưởi Tân Triều'. Đây là lễ hội về bưởi lần đầu tiên của tỉnh Đồng Nai nhân dịp chào mừng năm mới.

Trồng ấu lời hơn trồng lúa

Trồng ấu lời hơn trồng lúa

ĐỒNG THÁP Cây ấu trước đây chỉ được trồng vào mùa nước nổi nhưng nay đã trở thành cây trồng mang lại thu nhập ổn định quanh năm cho người dân huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Tôm khô Hiểu Phát dai ngọt tự nhiên

Tôm khô Hiểu Phát dai ngọt tự nhiên

KIÊN GIANG Tôm khô của Hợp tác xã Hiểu Phát được làm từ tôm thẻ thiên nhiên, nuôi theo mô hình xen canh tôm - lúa hoặc các vùng chuyên tôm nuôi quảng canh cải tiến.

Tặng sầu riêng mạ vàng cho người trúng đấu giá 3 quả sầu riêng nữ hoàng

Tặng sầu riêng mạ vàng cho người trúng đấu giá 3 quả sầu riêng nữ hoàng

Tại lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần II, Ban tổ chức sẽ đấu giá 3 quả sầu riêng nữ hoàng được chọn tại những vườn đẹp nhất.

Khai mạc phiên chợ đưa nông sản vùng cao xuống Thủ đô

Khai mạc phiên chợ đưa nông sản vùng cao xuống Thủ đô

HÀ NỘI Sáng 15/8, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền; Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2024.

Sắp ra mắt Bảo tàng Dừa sáp hơn 13 tỷ đồng

Sắp ra mắt Bảo tàng Dừa sáp hơn 13 tỷ đồng

Trà Vinh Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh có tổng nguồn vốn đầu tư trên 13 tỷ đồng, góp phần tôn vinh cây dừa sáp nguyên bản được trồng tại vùng đất Cầu Kè.

Bỏ phố về quê khởi nghiệp bằng nem Lai Vung

Bỏ phố về quê khởi nghiệp bằng nem Lai Vung

Mong muốn duy trì và phát huy đặc sản nem Lai Vung, anh Huỳnh Ngọc Hậu (xã Tân Thành, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đã rời phố, về quê khởi nghiệp từ loại nem này.

Xem Thêm