Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:59 GMT +7

  • Click để copy
Thứ năm- 08:29, 16/06/2022

Làm vải hữu cơ, đỡ lo về giá

BẮC GIANG Sản xuất theo hướng hữu cơ, vải thiều quả to, ngọt hơn; tỷ lệ quả rụng sinh lý thấp; năng suất tăng hơn 14%, lại không lo tiêu thụ nhờ được doanh nghiệp bao tiêu.

Hết cảnh chật vật đi bán vải

Đầu tháng 6, những đồi vải chính vụ của HTX Nông nghiệp Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) bắt đầu chuyển sang sắc đỏ. Do đã bén rễ ở vùng đất này 30 năm có lẻ nên cây vải ở đây hầu như năm nào cũng được mùa, quả sáng mã, chín muộn và bán giá cao hơn đầu vụ.

Từ năm 2021, HTX được cấp 1 mã số vùng trồng cho 10 ha sản xuất vải theo hướng hữu cơ để xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản. Ông Vương Văn Lợi, Phó Giám đốc HTX phấn khởi cho biết, trồng vải hướng hữu cơ “khỏe hơn”, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Người dân không còn bị ám ảnh bởi thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, đồng thời được cam kết bao tiêu đầu ra.

Ông Vương Văn Lợi, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Hải, huyện Lục Ngạn tại vườn vải chính vụ. Ảnh: Bá Thắng.

Ông Vương Văn Lợi, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Hải, huyện Lục Ngạn tại vườn vải chính vụ. Ảnh: Bá Thắng.

“Toàn bộ diện tích vải canh tác theo hướng hữu cơ đều được bao tiêu, với giá cam kết thu mua 35.000 đ/kg, 90 ha còn lại của HTX sẽ được tiêu thụ ở thị trường nội địa hoặc Trung Quốc. Đã có một số đơn vị đến đặt vấn đề, nhưng chúng tôi vẫn còn theo dõi vào thị trường”, ông Lợi nói.

Tìm đầu ra cho 1.000 tấn vải thiều là điều khiến ông Lợi cùng 16 thành viên HTX Thanh Hải rất băn khoăn. Vải là cây tương đối khó tính, yêu cầu dày công chăm sóc từ lúc hết vụ năm trước đến tận khi thu hoạch. Ngoài những bệnh như sương mai, chảy nhựa, thán thư, bệnh chàm, người dân còn nỗi lo sâu hại, đặc biệt là sâu đục cuống quả.

Không chỉ chăm sóc, tới lúc thu hoạch, người dân còn phải chở từng sọt vải, dọc theo những sườn đồi ngoằn ngoèo chỉ đủ lối cho xe máy chạy tới những điểm thu mua. Hàng trăm tấn vải cứ như thế được gồng gánh về quốc lộ, nhưng không phải lúc nào hàng cũng bán được hết. Thêm vào đó, do di chuyển hàng chục kilomet, vải khó tránh khỏi bị dập, nát; chất lượng, mẫu mã bị ảnh hưởng, kéo theo vấn nạn trừ lùi cân khi giao dịch.

Nói vậy để thấy, việc có xe về tận vườn thu mua là một bước tiến lớn. Những người như ông Lợi chỉ cần “hàng lên xe là nhận tiền”. Nhận thức rõ điều ấy, thành viên trong HTX Thanh Hải bảo nhau, tích cực chuyển dịch theo hướng canh tác hữu cơ. Được cán bộ nông nghiệp tư vấn, hướng dẫn, ông Lợi cùng một số bà con sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh GA-50 của Công ty Cổ phần Tổng công ty Sông Gianh.

Để canh tác theo hướng hữu cơ, người dân được khuyến cáo thăm vườn thường xuyên nhằm sớm phát hiện và xử lý các vấn đề bất thường. Ảnh: Huy Bình.

Để canh tác theo hướng hữu cơ, người dân được khuyến cáo thăm vườn thường xuyên nhằm sớm phát hiện và xử lý các vấn đề bất thường. Ảnh: Huy Bình.

“Kết hợp với việc sử dụng tưới tiêu nước chủ động, và các biện pháp kỹ thuật như chăm sóc, đốn tỉa, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh hại được tiến hành thường xuyên, vải của HTX chúng tôi năm nay ít bị chàm, sáng mã, hứa hẹn một vụ bội thu”, ông Lợi bày tỏ.

Ông Vương Văn Lợi mong muốn được tạo điều kiện để phát triển diện tích canh tác vải thiều theo hướng hữu cơ, nhân rộng ra các thôn, xóm khác.

“Để HTX ngày càng phát triển ổn định, chúng tôi rất cần sự quan tâm của nhà nước bằng việc hỗ trợ bao bì, tem nhãn, với hình thức đẹp mắt, phù hợp để sản phẩm có chỗ đứng vững trên thị trường. Đặc biệt là hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin sản phẩm”, ông Lợi bộc bạch.

Chất lượng, năng suất tăng, mẫu mã đẹp

Anh Nguyễn Văn Hoàn, phụ trách kinh doanh thị trường tỉnh Bắc Giang của Tổng Công ty Sông Gianh chia sẻ, vấn đề lớn nhất khi thuyết phục bà con chuyển hướng theo canh tác hữu cơ là sản lượng, bởi nhiều nông dân cho rằng, sản lượng và đầu ra khó đảm bảo, dễ ảnh hưởng đến thu nhập cuối vụ.

Kết hợp với nhóm cán bộ kỹ thuật tích cực bám sát ruộng vườn và bà con, Sông Gianh đã triển khai một mô hình trình diễn canh tác hữu cơ tại thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn trong giai đoạn vải thiều sau đậu quả vào năm 2021 và năm 2022.

Sau khi phân tích kỹ lưỡng thành phần cơ giới, độ pH và các hàm lượng Nts, Pdt… trong đất, Công ty sử dụng phân bón hữu cơ để kết cấu đất tơi xốp hơn, giúp bộ rễ vải thiều phát triển, đồng thời cải thiện khả năng thoát nước của vườn.

Nông dân Bắc Giang ngày càng chú trọng sản xuất vải theo hướng hữu cơ. Ảnh: Huy Bình.

Nông dân Bắc Giang ngày càng chú trọng sản xuất vải theo hướng hữu cơ. Ảnh: Huy Bình.

Ông Trần Đức Thắng, trú tại thôn Muối, xã Giáp Sơn – một trong những hộ tham gia mô hình thừa nhận, chăm sóc vải thiều theo phương pháp truyền thống khá vất vả. Sau khi được tư vấn chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ, việc chăm sóc vải thiều trở nên khoa học hơn như: Có sổ ghi chép rõ ràng; ngoài phân GA-50, ông bón thêm một số loại như phân gà hoai mục, khô đậu tương... để tận dụng nguồn phế phụ phẩm sẵn có.

Trước đây, khi vải ra nhiều lộc đông, ông Thắng có thể dùng thuốc hóa học trong giới hạn cho phép để diệt trừ nhưng hiện tại được khuyến cáo chỉ dùng biện pháp thủ công. Khi phát hiện sâu bệnh, thuốc thảo mộc là lựa chọn cuối cùng nếu như các cách làm thủ công không phát huy hiệu quả.

“Hết vụ, tôi tổng kết thấy thăm vườn, công chăm sóc nhiều hơn. Bù lại, chi phí đầu tư giảm, thu nhập đảm bảo”, ông Thắng nói.

Theo Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Bắc Giang, trên cùng giống vải, độ tuổi cây, chân đất tương đương, mọi thông số của mô hình đều nhỉnh hơn so với vườn đối chứng. Cụ thể, độ brix (độ ngọt) tăng trung bình 0,5% so với đối chứng không bón phân hữu cơ vi sinh; trọng lượng quả vải tăng khoảng 7,6%; tỷ lệ quả rụng sinh lý thấp hơn 6,6%; năng suất quả vải tăng 14,2%. Đặc biệt, quả có độ sáng, mẫu mã đẹp hơn.

Vụ vải thiều năm nay, thời tiết diễn biến khó lường, lúc âm u, ẩm độ không khí lên tới hơn 90%; sang tháng 5, trời chuyển nắng nóng hơn 32 độ C, trời thường xuyên có mưa rào xen kẽ. Nguy cơ gây hại của sâu đo, bọ xịt nâu, sâu róm khá lớn ở giai đoạn hoa – sau đậu quả.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn tự tin khẳng định, vải thiều năm nay được mùa. Tỷ lệ đậu quả đạt từ 70 - 90%; dự báo sản lượng quả tươi toàn huyện khoảng 95.465 tấn (trong đó vải chín sớm khoảng 20.850 tấn, vải chính vụ khoảng 74.615 tấn).

Mô hình trình diễn sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ của Công ty Sông Gianh tại thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn cho hiệu quả cao. Quả vải sáng mã, trọng lượng, chất lượng đều nhỉnh hơn. Ảnh: Huy Bình.

Mô hình trình diễn sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ của Công ty Sông Gianh tại thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn cho hiệu quả cao. Quả vải sáng mã, trọng lượng, chất lượng đều nhỉnh hơn. Ảnh: Huy Bình.

Đến ngày 9/6, lũy kế sản lượng tiêu thụ vải chín sớm là 3.938 tấn; giá bán sản phẩm dao động từ 18.000 - 35.000 đ/kg. Sản phẩm vải chín sớm được tiêu thụ chủ yếu lại thị trường nội địa khoảng 2.067 tấn (các tỉnh phía Nam, hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc); xuất khẩu khoảng 1.795 tấn (chủ yếu sang thị trường Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn).

Hiện toàn huyện Lục Ngạn có 12.860 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (chiếm khoảng 80% diện tích) và 117 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Thời gian tới, huyện chủ trương mở rộng diện tích vải thiều canh tác theo thực hành nông nghiệp tốt như: Mở rộng từ 60 - 70 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 20 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Ngoài ra, huyện quyết tâm duy trì các vùng sản xuất vải đã được chứng nhận tiêu chuẩn của các xã trọng điểm gồm Hồng Giang, Giáp Sơn, Tân Sơn, Tân Hoa, Thanh Hải, Hộ Đáp và vùng vải thiều xuất khẩu.

Ông Đinh Văn Phương, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn cho biết, huyện hiện có 35 mã vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc, 27 mã vùng phục vụ thị trường Nhật Bản, và 18 mã xuất khẩu sang Mỹ, EU.

Nhằm chuẩn bị cho vụ vải thiều 2022, Phòng NN-PTNT đã tham mưu cho UBND huyện Lục Ngạn, đồng thời chủ động hướng dẫn người nông dân các kỹ thuật canh tác theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, đồng thời tăng cường tuyên truyền, thông tin về thị trường.

Công tác rải vụ cũng được Lục Ngạn quan tâm. Huyện đã đa dạng các giống vải, từ vải chín sớm đến vải chính vụ, đồng thời quy hoạch vùng trồng những giống này từ vùng thấp lên vùng cao, nhằm kéo dài thời gian thu hoạch.

Bá Thắng - Huy Bình

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm