Thứ năm, 15/05/2025 | 05:19 GMT +7
Lợn nuôi theo chuỗi khép kín của HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm.
Cuối tháng rồi, tôi có cơ hội được đích thân anh Nguyễn Đình Tường - Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) dẫn đi thăm toàn bộ cơ ngơi của mình. Một cơ sở giết mổ, chế biến thịt lợn mà lại không hề có mùi hôi khó chịu là ấn tượng đầu tiên của tôi. “Giờ ăn ngon là một chuyện nhưng an toàn hay không lại là một chuyện khác…”, tôi đặt vấn đề.
Nghe tôi khơi mào ra vấn đề đó, anh gật gù đồng tình và bảo: “Đúng là lợn nuôi kiểu cho ăn cám không nấu cùng với các loại rau, bèo sống vớt từ mương máng ngày xưa thịt thơm, ngon thật nhưng không hề an toàn bởi có thể bị nhiễm giun sán.
Bằng kinh nghiệm giết mổ 20 năm của mình, tôi thấy sở dĩ lợn nuôi kiểu cho ăn cám, rau bèo sống ngày xưa có lòng se điếu là bởi có rất nhiều sán trong đó. Trước đây tôi từng thử nghiệm nuôi và thấy hoàn toàn có thể chủ động tạo ra loại lòng này bằng cách như vậy nhưng bởi không đảm bảo an toàn thực phẩm nên đã từ bỏ. Còn ngày nay lợn nuôi bằng cám đã qua chế biến, uống nước sạch gần như không hề có lòng se điếu dù giá thị trường đang vài triệu đồng/kg cũng chịu…”.
Năm 2014, trang trại của anh Tường là 1 trong 37 trang trại trên toàn Thành phố được một đơn vị của Sở NN-PTNT Hà Nội chọn tham gia dự án nuôi lợn bằng cám sinh học với mức hỗ trợ 75% thức ăn sinh học và 30 con giống. Dự án đã đem lại kết quả sạch về môi trường, an toàn về dịch bệnh, đặc biệt là cho ra sản phẩm thịt lợn thơm, ngon, chắc, ngọt, khác hẳn thịt lợn nuôi bằng cám công nghiệp.
Bình thường nhiều dự án sau khi kết thúc sẽ không được tiếp nối trong sản xuất nữa, tuy nhiên, anh nhận thức được hiệu quả và sự khác biệt của nuôi lợn an toàn sinh học nên vẫn kiên trì theo đuổi. Lúc đầu anh tự kết nối với công ty sản xuất cám sinh học để mua. Về sau nhận thấy nếu cứ mua như thế sẽ không thu được lợi nhuận cao nên anh mày mò tìm hiểu cách tự phối trộn các loại nguyên liệu.
Anh Nguyễn Đình Tường - Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm bên những sản phẩm thịt lợn sinh học. Ảnh: Dương Đình Tường.
Thuở ban đầu không mấy người biết đến chất lượng của thịt lợn sinh học nên anh chấp nhận bán bằng với giá thịt thông thường để giới thiệu. Người này mua ăn thử rồi mách cho người kia, dần dần thịt lợn sinh học trở thành xu hướng mới được người tiêu dùng chấp nhận. Nhận thấy thị trường đón nhận tích cực nên tháng 8 năm 2016 anh tập hợp nhiều chủ trại trên địa bàn xã cũng như một số xã lân cận đến bàn bạc, thành lập HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm. Từ đó hình thành nên chuỗi sản xuất khép kín.
Để tạo ra sản phẩm thịt lợn sinh học đòi hỏi đầu vào phải là nguồn thức ăn được lựa chọn từ những sản phẩm nông nghiệp sạch, tự nhiên như ngô, cám, sắn, không dùng các chất phụ gia, tạo màu, chất hóa học độc hại. Thứ nữa, nguồn nước sử dụng phải đạt tất cả các chỉ tiêu cho phép. Quy trình chăn nuôi được khép kín từng giai đoạn một, từ việc tạo ra nguồn con giống đảm bảo chất lượng đến nuôi, giết mổ, sơ chế, đóng gói, chế biến đều do HTX đảm nhiệm.
Định kỳ HTX gửi mẫu sản phẩm đi phân tích để kiểm tra chất lượng thịt. Thành phần thức ăn cho lợn gồm cám gạo, ngô, đậu tương, cám mạch, men vi sinh và được tiêm phòng vacxin đều đặn để phòng bệnh chứ không dùng đến thuốc kháng sinh nên nuôi lợn kiểu này rất gần với phương pháp sản xuất hữu cơ.
Quãng thời gian năm 2016 - 2020, HTX may mắn được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Sở NN-PTNT Hà Nội cũng như Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai. Năm 2020, cơ chế hỗ trợ cho chuỗi khép kín kết thúc, HTX vẫn trụ vững nhờ định hướng đúng ngay từ đầu. Từ chăn nuôi riêng lẻ, bấp bênh do dịch bệnh, do thị trường, đến nay, các thành viên của HTX đã kiểm soát được đầu vào, đầu ra với các hợp đồng được ký kết cả năm, tạo ra nguồn thu và công việc ổn định.
Hiện mỗi ngày HTX giết mổ 3 - 5 con lợn cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch, mỗi tháng tạo ra doanh thu tiền tỷ, tuy vẫn còn khiêm tốn nhưng cũng đáng để tự hào vì góp phần vào việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho cộng đồng.
Hiện sản phẩm chủ lực của HTX có 3 loại gồm thịt lợn sơ chế, giò và xúc xích. Năm 2019, các sản phẩm này đều đạt OCOP 4 sao của thành phố Hà Nội và gần đây nhất HTX tham gia 2 sản phẩm thịt lợn và giò ở hội đồng OCOP cấp huyện Quốc Oai, đã đạt OCOP 3 sao.
Thông qua Báo Nông nghiệp và Môi trường, ông Nguyễn Hồng Lam mong muốn gửi thông điệp về một hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn trong kỷ nguyên mới.
ĐỒNG THÁP Việc sử dụng thuốc BVTV sinh học giúp nông dân ĐBSCL giảm chi phí, tăng năng suất, bảo vệ môi trường, hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.
SƠN LA Với niềm tin vào nông nghiệp bền vững, chị Vì Thị Thu Hà (sinh năm 1986) quyết tâm chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, dù hành trình này không hề dễ dàng.
HÀ TĨNH Các nhà khoa học cho rằng, nông nghiệp công nghiệp đã 'hết thời', vì vậy cần có một cuộc 'đại tu' hoặc cuộc cách mạng theo hướng tôn thờ nông nghiệp sinh thái.
YÊN BÁI Chè Shan tuyết được coi như ‘báu vật trời ban', người Mông ở Phình Hồ để chè phát triển tự nhiên, tuân thủ nguyên tắc sản xuất hữu cơ, hướng tới xuất khẩu sản phẩm.
HÀ TĨNH HTX Thanh niên Thành Sen mạnh dạn thuê hơn 4,3ha đất bỏ hoang nhiều năm tại phường Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) để lập dự án sản xuất rau củ quả hữu cơ.
Từ năm 2022 đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ hơn 700 tấn chế phẩm sinh học giúp người dân phát triển nông nghiệp tuần hoàn.
KIÊN GIANG Câu lạc bộ Organic Kiên Giang đã tư vấn quy trình sản xuất, hỗ trợ kết nối cung cầu, cung ứng vật tư nhằm lan tỏa mô hình sản xuất hữu cơ, sinh học.
THANH HÓA Sử dụng phân bón có nguồn gốc sinh học, áp dụng các giải pháp canh tác nông nghiệp bền vững giúp anh Hải thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng dưa vàng.