Thứ ba, 08/10/2024 | 09:41 GMT +7
Tôi bỗng nhớ đến lời chị Dương Thị Thu Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao kể về năm 2005, công ty mình xây dựng nhà xưởng đầu tiên ở xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai, Hà Nội) nhưng sau trận lụt kỷ lục năm 2008, thiệt hại nặng nề chị đã quyết định chuyển cơ sở sản xuất nấm về xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức). Và lúc này không còn là nhà xưởng sơ sài như ban đầu nữa mà chị đã đầu tư gần 70 tỷ đồng xây dựng hệ thống sản xuất nấm hoàn chỉnh, bao gồm các khu vực liên hoàn như phòng cấy giống, phòng ươm, phòng đóng gói và thu hoạch trên tổng diện tích 3ha với 100% máy móc, thiết bị, vật tư và giống nấm được nhập khẩu từ Nhật Bản.
Trước đây, khi tiếp xúc và làm việc với người Nhật chị Huệ rất khâm phục sự chăm chỉ, nghiêm khắc và tỉ mỉ của họ. Những ngày đầu sản xuất, chị được ông Tsutomu - giáo sư vi sinh vật đầu ngành của Nhật Bản cố vấn để có thể hiểu rõ từng chủng loại nấm, đặc điểm sinh học và từ đó chinh phục chúng.
Nấm kim châm vốn là sản phẩm từ xứ ôn đới nên rất khó trồng ở Việt Nam, đòi hỏi môi trường phòng lạnh quanh năm và đầu tư tốn kém. Bù lại, nhu cầu của thị trường nấm kim châm rất lớn và ngày càng tăng. Ví dụ như ở chợ Long Biên, Hà Nội mỗi ngày mùa hè tiêu thụ khoảng 20 tấn, mỗi ngày mùa thu, mùa đông lên tới 60 - 80 tấn, hầu hết là nấm của Trung Quốc được nhập về với giá rẻ nhưng chất lượng hạn chế và nguồn gốc không rõ ràng. Trong khi đó sản lượng nấm kim châm của Việt Nam sản xuất lại rất èo uột, chỉ cỡ vài tạ, chất lượng thì còn hạn chế.
Bởi thế, chị Huệ đã quyết tâm chinh phục loại nấm khó tính này. Cuối năm 2016 hệ thống nhà xưởng công nghệ cao ở xã Đốc Tín của Kinoko đi vào vận hành chính thức. Tuy nhiên chất lượng sản phẩm lại không như mong muốn. Sau khi tìm hiểu thì chị mới biết nguyên nhân là do sự khác nhau của loại lõi ngô của Việt Nam với lõi ngô của Nhật Bản dùng để làm môi trường cho nấm kim châm phát triển nên khắc phục bằng cách nhập khẩu về.
Chị còn gửi người của mình sang Nhật Bản để học hỏi về cách vận hành một xưởng nấm thế nào cho vừa năng suất, chất lượng vừa rút ngắn được thời gian. Từ khâu ủ giống đến lúc thu hoạch chỉ kéo dài khoảng 40 ngày sau khi đã trải qua đủ các quy trình như trộn nguyên liệu, xử lý nhiệt, khâu cấy giống, chăm sóc và đóng gói. Bất kỳ một công đoạn nào có vấn đề thì toàn bộ lô hàng coi như là phải đổ bỏ. Với công nghệ thông thường, dù có được chăm sóc kỹ lưỡng đến mấy đi chăng nữa nhưng một bịch nấm 1kg nguyên liệu chỉ thu được tối đa 500gram nấm là phải thay thế bởi môi trường nuôi dưỡng chúng nhanh chóng bị thoái hóa, dễ nhiễm khuẩn, nấm mốc. Nhưng với việc ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại của Nhật Bản, 1kg nguyên liệu sẽ cho 1kg nấm.
Sản lượng của Kinoko cứ thế tăng dần, còn chất lượng thì ổn định hơn. Các nguyên liệu đầu vào như cám gạo, cám ngô, khô đậu, cám mỳ... được chị Huệ chọn lọc kỹ, đảm bảo theo tiêu chuẩn hữu cơ như không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không có chất bảo quản và chất kích thích tăng trưởng. Nhờ vậy mà cây nấm phát triển khỏe mạnh, tích lũy được nhiều chất dinh dưỡng, trở thành một sản phẩm thơm ngon. Hiện cơ cấu nấm chính của công ty có trên 90% là nấm kim châm, còn lại có nấm hương, nấm linh chi, nấm bào ngư… và sản lượng đạt khoảng 2 - 3 tấn/ngày tùy thời điểm. Tất cả đều được sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP (tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng).
Chị Dương Thị Thu Huệ còn mạnh dạn đưa sản phẩm nấm kim châm Kinoko của mình tham gia vào chương trình OCOP của thành phố Hà Nội và được đánh giá 4 sao. Từ đó mà thương hiệu ngày càng trở nên phổ biến, được người tiêu dùng ở Thủ đô biết đến nhiều hơn.
Trong quá trình sản xuất nấm có một lượng bã rất lớn bị thải ra. Ở Kiniko chúng không hề bị bỏ hoài, bỏ phí gây ra ô nhiễm môi trường mà bã nấm lại được dùng làm giá thể để phục vụ cho công đoạn trồng rau sạch. Một vòng tròn khép kín của cây nấm đến cây rau cứ thế mà vận hành. Nhờ đó mà Kinoko tạo ra doanh thu khoảng 2 - 3 tỷ đồng/tháng, tạo ra công ăn việc làm thường xuyên cho 30 lao động người địa phương với mức lương ổn định 6 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Khi uy tín được khẳng định, thị trường thêm mở rộng, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên phạm vi toàn quốc, mới đây chị Huệ đã quyết định xây dựng thêm cơ sở sản xuất nấm Kinoko Long Khánh ở tỉnh Đồng Nai. Từ Long Khánh có thể dễ dàng cung ứng sản phẩm của Kinoko đi các tỉnh, thành phố phía Nam, giảm thiểu chi phí vận chuyển từ Bắc vào, đảm bảo được chất lượng vì nấm luôn tươi mới.
Cty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao của chị Dương Thị Thu Huệ trở thành doanh nghiệp đầu tiên được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mô hình nấm sạch của Kinoko đã mở ra hướng đi mới cho nhiều người khác có thể học theo tạo thành một ngành nấm sạch cho cả thủ đô.
Tuy nhiên, theo chị Huệ, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của đơn vị đang phải cạnh tranh khốc liệt một cách không lành mạnh với nhiều sản phẩm nấm không rõ nguồn gốc bán đầy rẫy trên thị trường. Phần lớn trong số chúng là nấm được nhập theo dạng tiểu ngạch từ Trung Quốc về nhưng lại được gắn nhãn mác là hàng nội để đánh lừa người tiêu dùng, bán với giá rất rẻ. Các tiểu thương ở các chợ đầu mối và một số cửa hàng vì lợi nhuận mà sẵn sàng tiếp tay cho loại nấm mạo danh này.
Thêm vào đó do khí hậu biến đổi nên một năm có nhiều ngày nóng. Nếu nắng nóng mà gặp cảnh mất điện bất ngờ thì toàn bộ nấm trên dây chuyền sản xuất sẽ bị hỏng, gây thiệt hại rất lớn cho Kinoko.
Hà Nội đang phấn đấu trong thời gian tới sẽ nâng tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố. Để làm được điều đó Sở NN-PTNT Hà Nội khuyến khích các doanh nghiệp, HTX cũng như cá nhân đầu tư mở rộng sản xuất theo công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm và hướng tới xuất khẩu. Sở cũng sẽ đồng hành, hỗ trợ cho các doanh doanh nghiệp, HTX và người dân trong việc xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để bán hàng.
“Để phát triển ngành hàng mới này, tôi rất mong thành phố có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như được tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm”, chị Huệ kiến nghị.
Bão số 3 và lũ lụt khiến cho không ít vùng sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, tuy nhiên những nơi đầu tư hạ tầng, nhà màng vững chắc thì ít bị.
C.P. Việt Nam vừa kêu gọi cán bộ, công nhân viên chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3, đồng thời triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực.
Thái Nguyên Website mới của HTX Chè Nhật Thức do Công ty Núi Pháo hỗ trợ xây dựng và phát triển với mong muốn giúp HTX nâng tầm nhận diện thương hiệu.
Phấn khởi, kỳ vọng là tâm trạng chung các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nói về sự kiện khởi công dự án VSIP tổ chức vào sáng nay (25/6).
ĐBSCL Hiểu rõ thị hiếu và nhu cầu du khách, Puolo Trip tập trung vào phát triển các tour du lịch chất lượng cao, giá cả hợp lý, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng.
BẮC KẠN Quỹ APIF hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp thực hiện các dự án sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, tạo nên chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp tại Bắc Kạn.
NINH THUẬN Cục Bảo vệ thực vật tập huấn, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh Ninh Thuận về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc.
Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) phấn đấu với sản lượng điện sản xuất đạt 702 triệu kWh điện.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 niên độ tài chính (NĐTC) 2023 - 2024 (từ ngày 1/10/2023 - 31/12/2023).
Bảo hiểm Agribank vinh dự đồng hành cùng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII và đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.