Thứ sáu, 22/11/2024 | 22:20 GMT +7

  • Click để copy
Thứ năm- 18:04, 14/10/2021

Cây có múi 'nói không' với thuốc BVTV

BÌNH PHƯỚC Được mệnh danh thủ phủ cây công nghiệp, những năm gần đây, cây ăn quả cũng đang được Bình Phước tập trung chính sách phát triển theo hướng hữu cơ, bền vững.

Nhằm giúp người dân địa phương phát triển bền vững các loại cây có múi, năm 2020, Trung tâm Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Bình Phước đã triển khai dự án Ứng dụng chế phẩm sinh học TKS-NEMA phòng trừ bệnh tuyến trùng cho cây có múi.

Chế phẩm sinh học khắc tinh sâu bệnh

Theo đó, dự án được thực hiện trên 30 ha bưởi da xanh 5 năm tuổi tại HTX Bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp (Bình Phước). Mục tiêu của dự án là chuyển giao thành công quy trình sử dụng chế phẩm sinh học NEMA phòng chống bệnh tuyến trùng gây ra trên cây bưởi tại HTX, tiến tới nhân rộng toàn bộ diện tích cây có múi trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm KH-CN Bình Phước chuyển giao ứng dụng chế phẩm sinh học TKS-NEMA phòng trừ bệnh tuyến trùng cho cây có múi. Ảnh: Trần Trung.

Trung tâm KH-CN Bình Phước chuyển giao ứng dụng chế phẩm sinh học TKS-NEMA phòng trừ bệnh tuyến trùng cho cây có múi. Ảnh: Trần Trung.

Để đánh giá hiệu quả việc sử dụng chế phẩm sinh học NEMA trong phòng, chống các bệnh do tuyến trùng cho cây bưởi, dự án giữ nguyên quy trình kỹ thuật hiện tại mà HTX đang áp dụng. Đồng thời loại bỏ hoàn toàn thuốc BVTV trong phòng, chống tuyến trùng và giảm 20% lượng thuốc BVTV khác tại mô hình so với vườn đối chứng.

Việc sử dụng chế phẩm sinh học NEMA được áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, 1 năm bón 3 lần vào trước, giữa và cuối mùa mưa với liều lượng 20 kg/ha/lần bón. Trước và sau khi bón, đơn vị đều lấy mẫu rễ gửi đi kiểm nghiệm số lượng tuyến trùng gây hại, sau đó đánh giá hiệu quả với các chỉ tiêu theo dõi.

Thạc sĩ Ngô Phước Khánh, Giám đốc HTX Bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp cho biết, trước khi bón chế phẩm NEMA, mật độ tuyến trùng trong rễ tại vườn cây của HTX và vườn đối chứng tương đương nhau, khoảng 85 cá thể/5g rễ.

Tuy nhiên, sau khi sử dụng chế phẩm sinh học NEMA một thời gian, mật độ tuyến trùng trong rễ cây bưởi da xanh giảm rõ rệt xuống khoảng 71 cá thể/5g rễ. So với vườn đối chứng sử dụng các thuốc hóa học xử lý tuyến trùng thì mật độ tuyến trùng tương đương nhau.

Sử dụng chế phẩm sinh học NEMA kết hợp bón phân cho vườn bưởi tại HTX Bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

Sử dụng chế phẩm sinh học NEMA kết hợp bón phân cho vườn bưởi tại HTX Bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

 Sau 1 năm sử dụng chế phẩm NEMA để phòng trừ tuyến trùng cho bưởi da xanh, cây phát triển rất đồng đều, một số bệnh gây hại cho cây như nứt thân xì mủ, xì gôm giảm tương đối nhiều. Số tuyến trùng trong đất giảm tới 17% so với thời kỳ chưa sử dụng chế phẩm này.

"Ngoài kiểm soát tốt mật độ tuyến trùng dưới ngưỡng gây hại, chế phẩm NEMA với 5 tỷ vi sinh vật gồm 5 chủng nấm hoạt động cho mỗi gam sản phẩm. Cùng với thời gian, hệ thống vi sinh vật này sẽ phát triển, tạo thành một hệ sinh vật đối kháng tuyến trùng và các loài nấm bệnh khác”, ông Ngô Phước Khánh đánh giá.

Tiến sĩ Đàm Văn Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm KH-CN tỉnh Bình Phước nhận xét: Qua kiểm tra thực tế mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học TKS-NEMA, nhìn bằng cảm quan, vườn bưởi phát triển rất tốt, đạt yêu cầu nội dung dự án đề ra.

NEMA cũng không gây tác dụng phụ, không làm xoăn lá, cháy lá, không làm rụng bông và trái non, không gây ngộ độc cho cây. Như vậy, việc lựa chọn chế phẩm sinh học NEMA để triển khai dự án phòng trừ bệnh tuyến trùng cho cây có múi là hợp lý.

Vườn bưởi HTX Bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp phát triển xanh tốt nhờ chế nhâm NEMA. Ảnh: Trần Trung.

Vườn bưởi HTX Bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp phát triển xanh tốt nhờ chế nhâm NEMA. Ảnh: Trần Trung.

“Trung tâm khuyến cáo nông dân có thể thay thế các loại thuốc BVTV hóa học bằng thuốc sinh học, nhằm đảm bảo hiệu quả tốt cho cây có múi. Bởi ứng dụng chế phẩm sinh học NEMA vào sản xuất nông nghiệp sẽ là mô hình hướng tới nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và tiết kiệm trong tương lai”, Tiến sĩ Đàm Văn Toàn chia sẻ .

Phân vùng phát triển cây ăn trái

Bình Phước hiện có 11.842 ha cây ăn trái. Nhưng nhìn chung, việc phát triển cây ăn trái vẫn còn manh mún, mạnh ai nấy làm, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, sâu bệnh phá hoại diễn biến phức tạp.

Người dân chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Ảnh: Trần Trung.

Người dân chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài thành công của dự án sử dụng chế phẩm sinh học NEMA trong phòng, chống bệnh do tuyến trùng cho cây bưởi tại HTX Bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp, hiện Bình Phước đang triển khai nhiều dự án tương tự nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế địa phương như: Dự án sử dụng phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc nano trong chăm sóc cây có múi trên địa bàn Lộc Ninh; Mô hình trồng cỏ mombasa, cỏ ruzi trên địa bàn huyện Bù Đốp..., bước đầu mang lại hiệu quả.

Đặc biệt, UBND tỉnh vừa phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh và giao Hội đồng KH-CN tỉnh tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài "Đánh giá khả năng thích nghi đất đai, phân vùng định hướng phát triển cây ăn trái đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước”.

Một trong những mục tiêu cụ thể của đề tài là xác định phân vùng, định hướng phát triển cây ăn trái của Bình Phước trên cơ sở đặc điểm tài nguyên đất và mức độ thích nghi tự nhiên của các loại cây ăn trái.

Bình Phước đang tập trung các chính sách phát triển cây ăn quả theo hướng hữu cơ, bền vững. Ảnh: Trần Trung.

Bình Phước đang tập trung các chính sách phát triển cây ăn quả theo hướng hữu cơ, bền vững. Ảnh: Trần Trung.

Đồng thời, điều tra, đánh giá đặc điểm, mức độ thích nghi của tài nguyên đất, từ đó phân vùng định hướng phát triển cây ăn trái trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cho việc hoạch định phát triển cây ăn trái hiệu quả, bền vững, phù hợp.

Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước: Việc triển khai đề tài là tiền đề để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp trong tương lai. Trên cơ sở phân vùng định hướng phát triển cây ăn trái trên địa bàn tỉnh, từng bước giúp nông dân trong tỉnh đẩy mạnh sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, từng bước thay đổi tập quán canh tác cây ăn trái theo hướng hữu cơ, bền vững...

Trần Trung - Nguyễn Thủy

    Tags:
Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm